Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:17 GMT+7

Cần cơ chế, chính sách cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi

10/06/2022

Ngày 9/6/2022, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) đồng tổ chức Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và Cam kết Net Zero”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngành điện lực, với vai trò là một ngành cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, được xác định phải đi trước một bước trong đầu tư phát triển, đảm bảo đáp ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Theo xu thế chung và cũng là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn đặt ra, ngành điện lực cần ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để hiện cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn này, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương xây dựng với các quan điểm, mục tiêu nhất quán thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống như nhiệt điện đốt than sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng.
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, khẳng định ngành điện lực cần ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Bên cạnh đó, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, hệ thống điện Việt Nam phát triển nhanh trong những năm đầu thế kỷ 21 và tốc độ giảm dần trong mấy năm gần đây. Tuy vậy, nhu cầu điện từ nay đến năm 2045 còn tăng nhiều nếu so sánh bình quân tiêu thụ điện trên đầu người với các nước đã phát triển.
Thực tế điện gió tại Việt Nam trong năm qua có lúc phát được rất thấp nên hệ thống vẫn phải phát triển mới các nguồn điện đáng tin cậy cùng với phát triển điện gió. Kinh nghiệm Ireland cũng cho thấy điện gió có những thời điểm chỉ phát được 4% công suất đặt. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã dự tính phải có 7 GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030, chủ yếu tập trung ở miền Trung. Hai trung tâm phụ tải lớn vẫn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong hiện tại và tương lai. Nếu phát triển được điện gió ở miền Bắc sẽ giảm được nhu cầu truyền tải.
Chí phí truyền tải cho điện gió ngoài khơi từ biển vào đến bờ dự tính sẽ nằm trong chi phí phát điện và tính vào giá điện. Sẽ phải có quy hoạch truyền tải điện từ ngoài khơi vào bờ tập trung vào một số điểm đấu nối, không để mỗi dự án làm một tuyến cáp cặp bờ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quy hoạch vì có tỉnh nhiều dự án trên một vùng biển, có tỉnh cả vùng biển là một dự án của một công ty. Luồng hàng hải Bắc Nam được quy hoạch rộng 15 km của Bộ Giao thông Vận tải không cho phép xây dựng điện gió ở một số khu vực tiềm năng trên biển.
Phát triển điện gió ngoài khơi hướng đến thực hiện Quy hoạch điện VIII và cam kết Net Zero
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng ước đạt khoảng gần 400GW. 
Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước - theo đánh giá mới nhất lên đến trên 160GW - và đặc tính kỹ thuật vượt trội so với các nguồn điện mặt trời và điện gió trên bờ, tuy nhiên loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam. 
Đồng quan điểm, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Taskforce Đông Nam Á của GWEC, nhận định: Điện gió ngoài khơi vẫn còn mới với Việt Nam do đó chưa có các quy định cần thiết. Dù cần phải bắt đầu nghĩ đến cơ chế đấu thầu từ bây giờ, nhưng vẫn phải áp dụng cơ chế chuyển tiếp vì chính sách đấu thầu phải mất mấy năm mới có thể hoàn thiện. Với 7 GW cho năm 2030 vẫn cần cơ chế chuyển tiếp. Cần có nơi giải quyết thủ tục kiểu "Một cửa" vì ĐGNK cần cấp phép của tận 10 bộ, ngành.
Về vốn, ít nhất phải huy động 10 tỷ USD từ nay đến 2030, các ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay, nên cần những đơn vị nước ngoài đầu tư vào. Qua tham vấn, ngân hàng nước ngoài sẽ cần tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm cống suất…
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia làm rõ và chia sẻ khuyến nghị đối với các yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Đưa ra những giải pháp gỡ nút thắt trên, phần lớn nhà đầu tư và chuyên gia đều nhìn nhận, cần có cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu, bởi không chỉ thời gian chờ đợi cơ chế này còn dài, mà thực tế kinh nghiệm các nước đều cho thấy đây là giải pháp hợp lý.
Về phía cơ quan quản lý, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cũng bày tỏ, mỗi quốc gia có cơ sở, xuất phát điểm và pháp luật đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của quốc gia đi trước, để thúc đẩy phát triển giai đoạn đầu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, họ cũng dùng chính sách giá cố định hoặc lựa chọn nhà đầu tư... Do vậy, đây cũng là vấn đề phải cân nhắc.
Tại hội thảo, các bài học về nghiên cứu điển hình từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… cũng được được các chuyên gia đưa ra thảo luận góp phần quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Khánh An