Thứ tư, 15/01/2025 | 14:38 GMT+7
Chính phủ Vương quốc Anh (UK) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dẫn đầu sáng kiến toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trên quy mô toàn cầu.
Sáng kiến với tên gọi “Lời kêu gọi hành động về sản phẩm hiệu quả năng lượng COP26” (The COP26 Product Efficiency Call to Action). 5 mục tiêu cụ thể của sáng kiến bao gồm: tăng gấp đôi hiệu quả của các sản phẩm chính được bán trên toàn cầu vào năm 2030; hỗ trợ các quốc gia thực hiện các mục tiêu quan trọng về biến đổi khí hậu; cung cấp các sản phẩm hiệu quả hơn với chi phí hợp lý; kích thích đổi mới và cung cấp các cơ hội gia tăng thị trường và xuất khẩu; thúc đẩy hành động kép, làm cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường bằng cách giảm sử dụng chất làm lạnh.
Hiện sáng kiến đã có sự tham gia của 14 nền kinh tế lớn và đang tiếp tục tăng lên. Bốn quốc gia mới nhất tham gia sáng kiến là Úc, Indonesia, Nhật Bản và Nigeria.
Mục tiêu số 1 của sáng kiến là tăng gấp đôi hiệu quả của các sản phẩm hệ thống động cơ công nghiệp, chiếu sáng, tủ lạnh, điều hòa không khí trên toàn cầu vào năm 2030.
Lời kêu gọi hành động khuyến khích các chính phủ triển khai một loạt các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhóm sản phẩm tiêu thụ điện chính trong lĩnh vực công nghiệp và dân dụng gồm: chiếu sáng, tủ lạnh, điều hòa không khí và hệ thống động cơ công nghiệp. Các nhóm sản phẩm này chịu trách nhiệm cho hơn 40% nhu cầu điện toàn cầu và thải hơn 5 tỷ tấn CO2 mỗi năm.
Ước tính khi các cam kết được thực hiện sẽ mang lại lợi ích đáng kể về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và đảm bảo sự tiếp cận của người tiêu dùng với các công nghệ hiệu suất cao và giá cả phải chăng.
Tiến sỹ Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết: “Phân tích của IEA cho thấy tầm quan trọng của sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu. Các chính sách phù hợp đã giúp giảm một nửa mức tiêu thụ điện của các thiết bị quan trọng ở nhiều thị trường và giúp người tiêu dùng hưởng lợi đáng kể từ tiết kiệm năng lượng; đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.”
Đại diện IEA hoan nghênh các chính phủ đã ủng hộ Lời kêu gọi hành động và bày tỏ hy vọng sẽ sớm thấy nhiều quốc gia tham gia hơn vào sáng kiến này. Ông Birol đồng thời tỏ rõ sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia trong vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả để mang lại nhiều lợi ích hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Lời kêu gọi Hành động là một phần của Sáng kiến triển khai thiết bị siêu hiệu quả (the Super-efficient Appliances and Equipment Deployment - SEAD). Đây được coi là công cụ quan trọng trong nỗ lực tổng thể nhằm hướng tới phát thải ròng bằng không.
Các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của sản phẩm đã được chứng minh là rất hữu hiệu trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trở nên rẻ hơn, dễ dàng hơn và nhanh hơn. Thế hệ tiếp theo của các thiết bị kết nối internet và ứng dụng công nghệ số đang xác lập lại những giới hạn hiệu quả năng lượng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần có những tiêu chuẩn và chính sách mới phù hợp hơn.
Hiện tại, các bên đang nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết nhằm đạt được mục tiêu chung của Lời kêu gọi Hành động.
Để tìm hiểu thêm về Lời kêu gọi hành động về sản phẩm hiệu quả năng lượng COP26 tham khảo tại: https://supereici.org/cop26-call-to-action.
Giang Nguyễn (Nguồn IEA)