Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:27 GMT+7

Bức tranh chuyển dịch năng lượng tại Liên minh châu Âu trong năm 2019

26/08/2020

Năm 2019 đã mang lại những tín hiệu tích cực về quá trình chuyển dịch năng lượng tại EU. Sản lượng điện than trong khối đã giảm 24% năm 2019.

Năm 2019 đã mang lại những tín hiệu tích cực về quá trình chuyển dịch năng lượng tại EU. Sản lượng điện than trong khối đã giảm 24% năm 2019. Điều này dẫn đến lượng khí CO2 của ngành điện giảm kỷ lục 120 Mt, tương đương với -12% so với phát thải năm 2018. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt kỷ lục mới, chiếm 35% tổng sản lượng điện toàn khối, trong đó năm 2019 sản lượng điện gió và mặt trời nhiều hơn điện than, đóng góp 18% tổng sản lượng điện.

Quá trình chuyển dịch năng lượng tại EU theo hướng giảm phát thải sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Lãnh đạo các nước thành viên EU ủng hộ việc châu Âu trở thành lục địa đầu tiên có mức phát thải khí nhà kính cân bằng (Greenhouse gas neutrality). Ủy ban châu Âu đang đề xuất tăng mục tiêu giảm phát thải của EU vào năm 2030 ở mức -50% đến -55% của mức phát thải năm 1990. Điều này có nghĩa rằng phát thải của ngành điện sẽ tiếp tục giảm, ngay cả khi nhu cầu điện tăng khi vận tải, ngành công nghiệp sưởi ấm tiếp tục điện khí hóa.

Các số liệu này được công bố vào tháng 2/2020 trong báo cáo phân tích “Ngành điện châu Âu trong năm 2019” của  Agora Energiewende (tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Berlin, Cộng hòa Đức) và Sandbag  (tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Anh).  Báo cáo cung cấp một góc nhìn tổng quan và cập nhật về quá trình chuyển dịch ngành điện châu Âu bao gồm tăng trưởng năng lượng tái tạo, sản xuất điện, tiêu thụ điện và phát thải CO₂ theo quốc gia cập nhật đến năm 2019 với các số liệu của được tổng hợp  và phân tích từ nhiều nguồn thống kê khác nhau như EUROSTAT hay ENTSO – E cũng như từ tính toán của các tác giả.

Nhu cầu điện năng tại châu Âu đang trên đà giảm, tuy nhiên dự báo có thể tăng trong tương lai

Nhìn chung, hệ số đàn hồi điện/GDP trong khu vực đang có xu hướng giảm. Năm 2019, tiêu thụ điện giảm 2% (-56 TWh), đưa nhu cầu trở lại thời điểm năm 2015, trong khi GDP tăng 1,4%. Trong đó, Vương quốc Anh có mức giảm tiêu thụ điện nhiều nhất (-10%), tiếp theo là Luxembourg (-8%) và Đức (-7%). Có nhiều lý do dẫn đến giảm tiêu thụ điện năng, ví dụ như sự dịch chuyển trong sản xuất công nghiệp: trong khi GDP chung của EU tăng, sản xuất công nghiệp giảm trong năm 2018 và 2019, đặc biệt là trong lĩnh vực thép.

Tuy vậy, trong dài hạn, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng việc điện khí hóa liên tục của nền kinh tế dự kiến ​​sẽ làm tăng tiêu thụ điện. Chiến lược dài hạn 2050 của Ủy ban EU, được phát hành vào tháng 11 năm 2018, cho thấy mức tiêu thụ điện sẽ tăng 18% vào năm 2030. Trong đó, điện khí hóa vận tải, nhiệt và công nghiệp dự kiến ​​sẽ là động lực chính cho nhu cầu gia tăng này.

Điểm sáng nhất trong bức tranh chuyển dịch năng lượng châu Âu là mức tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo.

Năm 2019, năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) đã tạo ra 34,6% điện năng của EU, cao hơn so với tỉ lệ  32,8% trong năm 2018. Tăng trưởng trong sản xuất điện gió và mặt trời đã bù đắp cho sự sụt giảm trong sản xuất thủy điện. Các nguồn gió, mặt trời và sinh khối chiếm 24% sản lượng điện năng ở EU. Tỉ trọng năng lượng tái tạo trên nhu cầu điện là  47% ở Đan Mạch, 30% ở Đức, 28% ở Ireland, 26% ở Bồ Đào Nha, 25% ở Tây Ban Nha và 23% ở Anh (tỉ lệ trung bình của EU là 18%). Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đã tăng 65 TWh năm 2019, vượt mức trung bình 50 TWh/năm trong giai đoạn 2010 – 2018. Mức sản xuất cao này chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng gió. Tính từ năm 2015, 84% tăng trưởng trong tổng sản lượng năng lượng tái tạo đến từ gió, 18% từ năng lượng mặt trời và 10% từ sinh khối. Tỉ trọng của các nguồn phát trong tổng sản lượng điện phát của EU được thể hiện trong Hình 1.

Hình 1. Cơ cấu sản lượng điện theo nguồn phát của châu Âu từ 2010 đến 2019.

Nguồn: Agora Energiewende and Sandbag (2020). Số liệu đến năm 2017 từ EUROSTAT, số liệu năm 2018-2019 từ tính toán của các tác giả báo cáo.

Theo ước tính của SolarPower Europe, điện mặt trời tăng trưởng ở mức 104% trong năm 2019, từ 8.2 GW năm 2018 lên 16.7 GW, cung cấp 4% điện năng của EU. Chìa khóa cho sự tăng trưởng vượt bậc này là khả năng cạnh tranh của công nghệ. Giá bán buôn mô-đun pin mặt trời PV đã giảm xuống còn 0,26 €/W vào tháng 4 năm 2019, và được dự đoán còn có thể rẻ hơn nữa trong tương lai. Sức hấp dẫn đầu tư của công nghệ này sẽ càng tăng lên khi tốc độ giảm giá thành nhanh hơn nhiều so với bất kỳ công nghệ nào khác. Một cuộc đấu thầu điện mặt trời tại Bồ Đào Nha đã có mức giá trúng thầu thấp nhất từng được ghi nhận là €14.8/MWh. Tây Ban Nha đã trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở châu Âu khi lắp đặt 4,7 GW pin mặt trời trong năm 2019, theo sau là Đức (+4 GW), Hà Lan (+2,5 GW), Pháp (+1 GW) và Ba Lan (+0,8 GW). Năm quốc gia này chiếm 78% công suất lắp đặt mới điện mặt trời của EU.

Sản lượng điện gió đã tăng 14% (+54 TWh) với 14 GW được lắp đặt mới trong năm 2019. 65% công suất phát điện mới đến từ Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Hà Lan và Ý. Ba Lan đã tổ chức phiên đấu giá điện gió trên bờ lớn nhất từ ​​trước đến nay tại EU với tổng công suất 2,2 GW, đạt được mức giá thầu trung bình là € 49/MWh. Năm 2019, là một năm kỷ lục về điện gió và kế hoạch xây dựng nhà máy điện gió mới sẽ vẫn trên đà tăng trưởng mạnh đến năm 2023. Đức là nước đi đầu trong phát triển điện gió, theo sau là Tây Ban Nha, Pháp và Thụy Điển.

Sự tăng trưởng năng lượng sinh khối tiếp tục chậm lại trong năm 2019. Sản xuất năng lượng sinh khối chỉ tăng 1% trong năm 2019. Mức tăng trưởng này chỉ bằng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2018. 50% sản lượng điện sinh khối của EU đến từ Đức, Anh và Ý. Năng lượng sinh khối không hoàn thành mục tiêu “Năng lượng sạch cho mọi người” của EU như: vẫn dẫn đến phát thải CO₂ (mặc dù nó vẫn được xếp hạng 0 trong EU ETS - EU Emissions Trading Scheme) phát thải bụi, làm giảm chất lượng không khí trong toàn vòng đời. Do vậy tương lai của năng lượng tái tạo phải dựa vào gió và mặt trời.

Xu hướng giảm sản lượng thủy điện từ năm 2014 tiếp tục diễn ra vào năm 2019 khi Tây Ban Nha, Ý và Pháp trải qua một năm khô hạn hơn. Trong năm 2019, sản lượng thủy điện giảm 6% so với năm trước, tương đương với 21 TWh. Sản lượng này cũng không đồng đều do sự phân bố lượng mưa giữa các vùng . Không chỉ sản lượng thủy điện bị sụt giảm vào các tháng mùa khô, các nhà máy hạt nhân làm mát bằng nước sông cũng gặp khó khăn và mực nước sông thấp hơn cản trở việc cung cấp than bằng đường thủy cho các nhà máy điện.

Điện năng sản xuất từ các nguồn truyền thống tiếp tục giảm

Năm 2019, tổng sản lượng điện từ các nguồn truyền thống đã giảm 4% do sự gia tăng của năng lượng tái tạo và giảm nhu cầu. Từ năm 2012 đến 2019, sản lượng điện từ than giảm 424 TWh ở EU, trong khi sản lượng điện khí tăng thêm 116 TWh và năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) tăng 335 TWh.  Sản lượng điện than đã giảm 24% (- 150 TWh) vào năm 2019, và thấp hơn 47% so với năm 2012. Sáu quốc gia EU hiện không sử dụng than và mười bốn quốc gia đã cam kết không sử dụng than vào năm 2030 hoặc sớm hơn (Hình 2). Lý do sản lượng điện than giảm vì sự phát triển của năng lượng tái tạo và nhu cầu thị trường. Các quốc gia có mức giảm sản lượng điện than lớn nhất cũng chính là các quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo gia tăng nhanh nhất.   

Hình 2. Thời điểm các quốc gia thuộc EU cam kết sẽ ngừng sử dụng than để sản xuất điện và công suất điện than còn lại.

Nguồn: Agora Energiewende and Sandbag (2020)

Sản lượng điện gas tăng 12% (73 TWh) trong năm 2019, tuy vậy vẫn thấp hơn 8% so với mức năm 2010 (năm có sản lượng điện khí cao nhất ở EU trong vòng 20 năm). Mức tăng lớn nhất ở Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý và Đức. Năm quốc gia này chiếm 75% tổng sản lượng điện khí của EU. Xu hướng chuyển đổi nhiên liệu từ than sang gas đã diễn ra rộng rãi và được kích hoạt bởi sự tăng giá cho các khoản phụ cấp khí thải CO2 trong EU ETS. Sản lượng điện từ gió, mặt trời và sinh khối tăng lên 65 TWh, như vậy một nửa sản lượng điện than sụt giảm trong năm 2019 đã được bù đắp bằng điện từ nguồn năng lượng tái tạo và nửa còn lại đến từ điện khí.

Sản lượng điện hạt nhân giảm nhẹ vào năm 2019 (giảm 1%, hoặc 6 TWh). Trong khi Anh, Pháp và Thụy Điển có sự cắt giảm thì sản lượng điện hạt nhân của Bỉ lại có sự tăng mạnh trong bối cảnh quốc gia này tái khởi động lại các lò phản ứng sau một thời gian dài ngừng hoạt động. Nhà máy điện hạt nhân của Đức ở Philippsburg đã đóng cửa vĩnh viễn trong cùng năm.

Lượng khí thải CO2 trong ngành điện giảm thông qua tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo và chuyển dịch sang khí đốt

Lượng khí thải CO₂ trong ngành điện đã giảm 12%, tương đương 120 triệu tấn, vào năm 2019. Sự cắt giảm này là kết quả của việc thay thế than bằng gió và mặt trời và khí đốt (thông qua tăng giá CO2 tăng trong EU ETS). Tổng phát thải của EU ETS đã giảm 8%, từ 1682 Mt CO2 năm 2018 xuống còn 1554 Mt CO2 vào năm 2019 và hiện thấp hơn 16% so với hạn mức phát thải (Hình 3). Đặt trong mối tương quan khi lượng khí thải trong EU ETS đã giảm trung bình 2,6% kể từ năm 2005, mức giảm 8% trong năm 2019 là khá ấn tượng. Phát thải ngành điện giảm 12% trong năm 2019 và đã giảm 32% kể từ năm 2012, lý do lớn nhất đến từ việc giảm sản lượng từ các nhà máy điện than đá. Tuy vậy, phát thải từ than non vẫn chiếm 18% lượng phát thải EU ETS trong năm 2019. Các nhà máy điện than chiếm 31% lượng phát thải của EU ETS trong năm 2019. Tuy nhiên thị trường EU ETS có thể sẽ gặp phải rủi ro khi cơ chế Dự trữ ổn định thị trường (Market stability reserve – MSR) được áp dụng trong năm 2019, công cụ giúp giảm dư thừa chứng chỉ phát thải trong thị trường, là chính sách điều tiết duy nhất. Đặc biệt khi cơ chế này chỉ còn hấp thụ được 12% lượng chứng chỉ thặng dư từ năm 2024 thay vì 24% như hiện nay, trong bối cảnh các nước cắt giảm điện than khiến thặng dư chứng chỉ trên thị trường tăng lên. Do vậy, việc đặt lại hạn mức phát thải là rất quan trọng để đảm bảo tính ổn định của thị trường EU ETS.

Hình 3. Phát thải thực tế và hạn mức phát thải của EU ETS. 

Nguồn: Agora Energiewende and Sandbag (2020), tính toán của tác giả 

Tiếp cận các mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo của EU năm 2030

Vào tháng 11 năm 2018, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chiến lược dài hạn về việc phi cacbon hóa cho nền kinh tế châu Âu. Chỉ có một kịch bản đến năm 2030 trong đó các mục tiêu năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng của Châu Âu lần lượt là 20% và 32,5%. Các tính toán của Ủy ban cho thấy điện từ nguồn năng lượng tái tạo phải tăng lên 57% vào năm 2030, từ mốc 35% vào năm 2019. Quá trình điện khí hóa các ngành vận tải, nhiệt và công nghiệp cũng đồng nghĩa với tiêu thụ điện được dự báo sẽ tăng 18% vào năm 2030, theo đó cần phải sản xuất năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa. Hydrogen từ năng lượng tái tạo ngày càng được coi là một yếu tố quyết định quan trọng trong quá trình loại bỏ carbon trong công nghiệp, vận tải siêu trọng và hàng không.

Trong bối cảnh đó, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo phải tăng 18% vào năm 2030 để duy trì tỷ lệ 35% trong cơ cấu sản xuất điện hiện nay. Điều này có nghĩa là việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hàng năm phải tăng gấp đôi so với mức trung bình 2010 – 2019 trong giai đoạn 2019 – 2030. Tuy vậy, nhìn vào lịch sử tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia thành viên EU, chỉ một số quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Đức, Ireland và Vương quốc Anh, cho thấy sự tăng trưởng đủ mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu 2030 của EU. Về công suất lắp đặt, chiến lược dài hạn của Ủy ban châu Âu dự kiến ​​công suất gió 2030 là 350 GW (tăng từ 200 GW vào cuối năm 2019) và 320 GW năng lượng mặt trời (tăng từ 134 GW vào cuối năm 2019). Mục tiêu về tỉ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của châu Âu đến năm 2030 được thể hiện trong Hình 4 dưới đây.

Hình 4. Dự báo tăng trưởng về tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản lượng điện đến năm 2030  theo Chiến lược Dài hạn của Ủy ban châu Âu. 

Nguồn: Agora Energiewende and Sandbag (2020). Số liệu đến năm 2017 từ EUROSTAT, số liệu 2018-2019 từ tính toán của các tác giả.

Châu Âu đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn các mục tiêu về năng lượng và khí hậu

Trong năm 2019, các cuộc thăm dò cho thấy nhận thức của cộng đồng ngày càng tăng đối với cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Nhiều thành phố, khu vực và quốc gia ở châu Âu đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu. Những tuyên bố này nhấn mạnh tính cấp bách về cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2019, các nhà lãnh đạo EU cũng như lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí tán thành mục tiêu cân bằng phát thải khí nhà kính (greenhouse gas neutrality) của EU vào năm 2050. Mục tiêu này đòi hỏi EU tăng tốc các hành động về năng lượng và khí hậu trong giai đoạn 2020-2030.

Kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia EU bắt đầu vào năm 2019 với các mục tiêu mới về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, hiệu quả năng lượng sẽ được cải thiện 32,5% so với mức cơ sở năm 2007 và tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng sẽ đạt 32%. Mục tiêu sau tương đương với tỉ lệ điện tái tạo trong hệ thống điện châu Âu đạt mức 57% vào năm 2030. Các quốc gia sẽ phải xây dựng  kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia (NECPs) cho năm 2030 theo Quy định mới (EU) 2018/1999 về Quản trị của Liên minh Năng lượng và Hành động Khí hậu.

Vào tháng 6 năm 2019, Ủy ban châu Âu đã công bố ý kiến ​​và phân tích về từng dự thảo NECP được các quốc gia thành viên trình lên năm 2018. Về năng lượng tái tạo, Ủy ban nhận thấy rằng việc triển khai năng lượng tái tạo quốc gia thấp hơn 1,5% so với mục tiêu của EU cho năm 2030. Liên quan đến hiệu quả năng lượng, đánh giá tổng hợp từ các dự thảo về NECP cho thấy các nỗ lực quốc gia theo kế hoạch thấp hơn 5% so với mục tiêu hiệu quả của EU cho 2030. Các quốc gia thành viên EU có nghĩa vụ phải đệ trình bản NECP chính thức vào cuối năm 2019 trong đó có cân nhắc đến các kiến nghị của Ủy ban châu Âu. Tháng 6/2020, Ủy ban sẽ ra quyết định về việc các NECP đã tích hợp các khuyến nghị hay chưa và cần có các biện pháp bổ sung nào nữa hay không.

Thỏa thuận xanh châu Âu. Ủy ban châu Âu đã đưa mục tiêu cân bằng lượng phát thải khí nhà kính (greenhouse gas neutrality) cho EU vào năm 2050 thành trọng tâm của chương trình làm việc. Theo đó Ủy ban ủng hộ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội và khả năng cạnh tranh kinh tế. Ngày 11/12/2019, Ủy ban đã công bố thông tin về Thỏa thuận xanh châu Âu cùng với lộ trình gồm các hành động chính để đạt các mục tiêu. Các hành động này bao trùm toàn bộ các thành phần của nền kinh tế và công bố các hành động cụ thể nhằm đẩy nhanh giảm phát thải của EU trong giai đoạn 2020-2030. Điểm đáng chú ý nhất trong Thỏa thuận xanh châu Âu là nó đặt cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu trở thành trọng tâm của việc hoạch định chính sách kinh tế trong tương lai và tìm cách thúc đẩy tài chính công tư để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, ước tính khoảng 260 tỷ euro mỗi năm trong thập kỷ tới.

Để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận xanh châu Âu sẽ cần một sự chuyển đổi sâu sắc và nhanh chóng của toàn bộ nền kinh tế EU. Trong ngành điện, điều này đòi hỏi phải loại bỏ dần than tới năm 2030 và tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai năng lượng tái tạo. Năm 2020 sẽ đánh dấu một năm chuẩn bị quan trọng. 2021-2023 sẽ chứng kiến ​​sự cập nhật toàn diện về luật pháp và chính sách của châu Âu nhằm thúc đẩy hành động khí hậu châu Âu.

Ủy ban châu Âu cam kết đảm bảo các chính sách kinh tế cốt lõi của mình phù hợp với mục tiêu cân bằng lượng phát thải khí nhà kính của EU, bao gồm hài hòa các chính sách liên quan đến viện trợ nhà nước và mua sắm công, cũng như đảm bảo tính minh bạch về rủi ro carbon của các công ty niêm yết, đầu tư đủ điều kiện xanh và bền vững trong ngân sách EU nhiều năm tới và các khoản vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Ủy ban cũng tuyên bố họ sẽ thúc đẩy vai trò của giá carbon để giảm lượng khí thải nhà kính. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình loại bỏ carbon trong ngành điện.

Tác động của Brexit đến mục tiêu giảm phát thải và thị trường điện của EU

Việc Vương quốc Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020 đã và sẽ có các tác động đến mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kinh của khối EU 27. Do Anh có lượng phát thải CO2 ít hơn đáng kể so với mức trung bình của EU nên kết quả hạch toán ngay sau Brexit cho thấy cường độ CO2 trung bình của 27 quốc gia EU mới sẽ tăng từ 265 lên 273 gCO₂/kWh. Theo dữ liệu gần đây của Cơ quan Môi trường châu Âu, mức phát thải khí nhà kính năm 2018 của EU 27 không phải là 23,2% mà là 20,6% dưới mức phát thải năm 1990 do Brexit. Vì vậy, Brexit cũng sẽ ảnh hưởng các cuộc tranh luận chính trị về việc tăng mục tiêu khí hậu của EU 2030 lên -50% đến -55%. Các tác giả báo cáo ước tính rằng EU 27 sẽ phải giảm lượng khí thải thêm 2-3% để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính này do tác động của Brexit.

Vào tháng 1 năm 2019, EU đã tạm thời ngừng phân bổ miễn phí chứng chỉ phát thải cho Anh, đấu giá và trao đổi tín dụng quốc tế. Điều này được thực hiện dựa trên những lo ngại trong trường hợp các công ty của Anh sẽ không còn thuộc Hệ thống giao dịch chứng chỉ phát thải của EU (EU ETS) hậu Brexit và có thể khiến thị trường carbon EU dư thừa chứng chỉ giảm phát thải, khiến giá carbon giảm. Trong tương lai, Vương quốc Anh sẽ cần phải quyết định liệu họ có muốn tiếp tục tham gia vào thị trường carbon của EU hay không bằng cách liên kết hệ thống giao dịch khí thải của riêng mình với hệ thống của EU, giống như Thụy Sĩ bắt đầu thực hiện vào tháng 1 năm 2020.

Ngành công nghiệp Anh rất quan tâm đến việc tiếp tục tiếp cận nguồn điện từ EU với mức giá tương đối rẻ hơn. Hiện tại, công suất đường truyền tải giữa Vương quốc Anh và EU là 4 GW và kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng lên 8 GW. Trong mọi trường hợp, Vương quốc Anh sẽ không còn tham gia đầy đủ vào thị trường điện nội bộ EU theo mối quan hệ EU – UK  mới. Điều này có nghĩa là những lợi ích đáng kể từ việc tham gia thị trường điện EU sẽ bị mất.

Quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra ở Châu Âu đã chứng minh khả năng chuyển dịch nguồn điện sử dụng nhiên liệu truyền thống sang năng lượng tái tạo là khả thi với một hệ thống hạ tầng lưới điện không biên giới giữa các quốc gia trong khối. Các châu lục khác có thể học hỏi kinh nghiệm để theo kịp xu hướng công nghệ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, dựa trên khả năng tự chủ nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo của từng quốc gia.

Tài liệu tham khảo

Agora Energiewende and Sandbag (2020): The European Power Sector in 2019: Up-to-Date Analysis on the Electricity Transition

Tham khảo báo cáo đầy đủ trên trang web của Agora Energiewende tại đường link dưới đây.

https://www.agora-energiewende.de/en/publications/the-european-power-sector-in-2019/

Tác giả: Trương An Hà/Nguyễn Huy Danh

Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam

Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam