Thứ tư, 15/01/2025 | 11:57 GMT+7
Theo NeoWin, mặc dù khả năng của những chiếc điện thoại thông minh đã vượt qua điện thoại truyền thống rất xa nhưng vấn đề tuổi thọ pin lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong khi những chiếc điện thoại kiểu cũ thường tồn tại được khoảng 1 tuần hoặc hơn ở chế độ chờ thì điện thoại thông minh lại chỉ có thể hoạt động khoảng 1 ngày do màn hình lớn, độ phân giải cao và kết nối dữ liệu di động liên tục.
Vì vậy, việc xa nguồn năng lượng trong thời gian dài là một vấn đề nghiêm trọng cho những người sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là những người không đầu tư vào các giải pháp sạc cầm tay.
Người tị nạn ở Hi Lạp cũng phải đối mặt với một vấn đề tương tự, nơi cơ hội sạc điện thoại bị giới hạn hà khắc trong khuôn viên các trại. Một số quán cà phê thu tiền cho việc cắm sạc từ các ổ điện được bố trí sẵn. Một số khác tìm cách sạc trực tiếp từ hệ thống điện trên đường phố và điều này có thể ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của họ.
Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề này, Alexandros Angelopoulos và Samuel Kellerhals, sinh viên của Đại học Edinburgh đã đưa ra một dự án gọi là Elpis để cung cấp năng lượng mặt trời miễn phí cho người tị nạn. Với sự giúp đỡ của Entec, một công ty công nghệ năng lượng mặt trời của Hy Lạp, hai trạm sạc năng lượng mặt trời đã được xây dựng và cài đặt. Mỗi trạm cung cấp "12 phích cắm sạc mỗi giờ", nghĩa là sẽ có hơn 240 người được cung cấp điện miễn phí mỗi ngày với 2 trạm sạc này.
Hai sinh viên này hi vọng sẽ tăng đủ tiền thông qua một chiến dịch gây quỹ trên Indiegogo để triển khai các trạm sạc năng lượng mặt trời khác. Với 9 ngày còn lại, dự án cần thêm 325 bảng Anh là có thể lắp đặt thêm 4 trạm sạc tương tự.
Trong trường hợp này, Elpis, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "hi vọng" là một cái tên thích hợp cho dự án vì nó đảm bảo rằng các đường dây thông tin liên lạc sẽ vẫn mở cửa cho những người phải di dời do chiến tranh và nghèo đói.
Theo vnreview.vn