Thứ bảy, 23/11/2024 | 11:17 GMT+7

Mối tương quan giữa nước - năng lượng - an ninh lương thực

04/06/2015

Nước - năng lượng - an ninh lương thực là 3 yếu tố này có tính liên kết tương tác và cần được quản lý một cách tổng hợp, mới tạo ra được sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nước - năng lượng - an ninh lương thực được các nhà quản lý xem như thế kiềng ba chân. Ba yếu tố này có tính liên kết tương tác và cần được quản lý một cách tổng hợp, mới tạo ra được sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Bến tàu” nước – năng lượng – an ninh lương thực

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, mối quan hệ nước, năng lượng và lương thực qua lại chặt chẽ không thể tách rời.

Có thể hình dung, thủy điện cần có một nguồn cung cấp nước ổn định để tạo ra năng lượng. Không có nước, không có thủy điện. Nông dân cần nước tưới cho cây trồng. Không có nước, không có lương thực. Con người cũng cần năng lượng để tạo ra lương thực và năng lượng giúp xử lý nước. Con người cần đất và các đầu ra nông nghiệp cung ứng cho một số ngành năng lượng.

Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đã đưa ra một mô hình liên kết nước, năng lượng và an ninh lương thực phức tạp như một bến tàu với rất nhiều con tàu chạy ngang dọc. Điều phối thế nào để bến tàu nước – năng lượng – lương thực hoạt động trơn tru cũng chính là bài toán cho các nhà quản lý ở cả 3 lĩnh vực này.

Theo dự báo, đến năm 2030, con người sẽ cần thêm 40% nhu cầu về năng lượng, 50% nhu cầu thực phẩm và 30% nhu cầu nước. Vấn đề đảm bảo nước, năng lượng và an ninh lương thực trong bối cảnh dân số tăng nhanh cũng như việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình sử dụng tài nguyên nước đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho toàn nhân loại.

Thách thức ở Việt Nam

Cả nước, năng lượng và an ninh lương thực đang đứng trước những thách thức về thiếu hụt và tranh chấp lợi ích, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu, nhu cầu điện của Việt Nam không ngừng tăng lên, theo sự phát triển của đất nước. Trong Tổng sơ đồ điện VII, Việt Nam tiếp tục xác định thủy điện là nguồn năng lượng chính.

Làm thế nào để biến thủy điện thành nguồn năng lượng thực sự thân thiện với môi trường, ít tác động lên thiên nhiên và cộng đồng hơn?

Còn việc sản xuất lương thực ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nguồn nước. Có tới 62% nguồn nước ở Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ quốc gia. Điều đó khiến ta khó chủ động trong điều tiết, quản lý nguồn nước. Thêm nữa, việc khai thác nước quá mức đang khiến cho các dòng sông, các nguồn nước ngầm của chúng ta thiếu bền vững.

Muốn nâng năng suất lương thực trong bối ảnh diện tích đất trồng giảm, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ bảo quản, thu hoạch… thì cần tính đến sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Rõ ràng, nếu không điều phối tốt 3 yếu tố nước – năng lượng – an ninh lương thực, có thể xảy ra thảm họa. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra những chương trình mục tiêu và thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững, trong đó mức độ bền vững của phát triển kinh tế, phát triển xã hội và môi trường được đề cập đến một cách toàn diện.

Trong bối cảnh này, cách tiếp cận liên kết nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nước, năng lượng và lương thực là thực sự cần thiết đối với Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời cách tiếp cận này cũng sẽ đòi hỏi và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các nước về tài nguyên nước, sản xuất năng lượng và lương thực.

Theo Tuổi Trẻ