Thứ tư, 18/09/2024 | 01:22 GMT+7

Nắng, mưa, gió đều tạo ra... điện.

11/05/2015

Dù trời nắng hay trời mưa, bằng những thiết bị điện tự tạo đơn giản, ông Trần An, sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã có thể tự cung cấp được nguồn điện sinh hoạt cho gia đình mình hàng ngày.

Dù trời nắng hay trời mưa, bằng những thiết bị điện tự tạo đơn giản, ông Trần An, sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã có thể tự cung cấp được nguồn điện sinh hoạt cho gia đình mình hàng ngày.

Người thợ may đam mê năng lượng xanh.

Ông Trần An xuất thân là một thợ may, sau giải phóng, gia đình ông chuyển từ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào thành phố Đà Nẵng sinh sống. Chuyển nơi sinh sống, công việc của ông An từ đó cũng thay đổi. Cơ duyên nghề nghiệp đã đưa ông An vào làm công nhân Phân xưởng lưới điện, Sở Điện lực Đà Nẵng. Sau lớp bồi dưỡng về Điện xí nghiệp, ông chuyển sang phụ trách sửa chữa điện tại Chi nhánh điện KV1, nay là Điện lực Hải Châu.

Năm 2008, vì lý do sức khỏe, ông An được bố trí làm nhân viên bảo vệ. Tại vị trí mới, ông An có nhiều cơ hội để nghiên cứu, lắp đặt các thiết bị điện trong gia đình. Và cơ duyên đến với nguồn năng lượng xanh cũng bắt đầu từ đó. Ông Trần An chia sẻ: Bắt đầu từ mùa nắng, mùa khô hay mất điện, tình cờ tôi ra thành phố Huế, tôi thấy họ bán thanh lý những tấm pin năng lượng mặt trời, tôi thấy uổng quá, tôi mua mang về. Những nguồn năng lượng xanh hiện nay vô cùng thân thiện với môi trường mà mình không biết sử dụng thì phí quá. Vậy nên, tôi cố gắng tìm tòi, học hỏi để áp dụng.

Ông Trần An đang nghiên cứu các thiết bị điện của gia đình.

Trải qua thời gian nghiên cứu, cuối cùng ông An cũng hoàn thiện bộ thiết bị phát điện năng lượng xanh của mình với quy trình hoạt động: Tấm pin thu năng lượng được sẽ chuyển qua bộ điều khiển sạc để xử lý, sau đó truyền về bình ắc-quy rồi cung cấp cho thiết bị điện.

Trên mái nhà, ông An đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, với sức nắng của mùa hè tại Đà Nẵng, nguồn điện của gia đình ông luôn được cung cấp đủ. Ngoài ra, vào mùa đông, ông đặt một chiếc quạt bên hông nhà để thu năng lượng gió để thu điện. Tùy từng loại ăc-quy, nếu công suất càng lớn thì năng lượng dự trữ càng nhiều.

Các thiết bị cần công suất lớn như quạt, tủ lạnh cũng dùng được năng lượng mặt trời.

Với những thiết bị công suất lớn hơn như quạt, tủ lạnh, ông An lại nghĩ ra cách dùng bộ biến tần bán dẫn (inverter), chuyển đổi từ 12V DC thành 230V AC để sử dụng khi cần. Chỉ cần cắm quạt, tủ lạnh vào inverter, đấu nối với bình ắc quy, các thiết bị có thể khởi động dễ dàng.

Mày mò chế tạo các thiết bị điện

Ngoài tự tạo ra nguồn điện từ năng lượng xanh, ông An cũng đã tự mày mò, chế ra chiếc đèn LED để sử dụng chính nguồn năng lượng xanh. Ông thay thế công suất tất cả bóng đèn trong nhà đồng bộ 12V để phù hợp với công suất của bình ắc–quy. Khi bị cắt điện, ông An chỉ cần lấy những bình ắc-quy đã sạc dự trữ trước đó ra sử dụng.

Từ nhiều năm nay, nhà ông An chưa bao giờbiết đến từ "mất điện". Mùa nắng, gia đình ông dùng năng lượng mặt trời, mùa mưa, gia đình ông chuyển sang dùng năng lượng gió.

Ông An đang thử nghiệm chiếc đèn LED cho phù hợp với hệ thộng điện nhà mình. 

Ngoài ra, ông An cũng mày mò tạo ra thiết bị điện cảm ứng để lắp đặt trong nhà. Những chiếc bóng đèn hoạt động theo cơ chế tự bật khi sử dụng và tự tắt mỗi khi không dùng đến. Khi ông đẩy cửa đón khách vào cũng là lúc hệ thống đèn phòng khách bật sáng. Ngoài tiện ích giúp người sử dụng không phải tự tay ra bật tắt đèn, thiết bị cảm ứng mới này còn đang giúp ông và các thành viên trong gia đình tiết kiệm điện chiếu sáng.

Tự tạo nguồn năng lượng xanh, đèn LED, thiết bị chiếu sáng cảm ứng,... Với những ý tưởng bất ngờ khi đưa vào thực tế ấy, gia đình ông An đã tiết kiệm đến 60% lượng điện năng tiêu thụ so với trước đây cũng như không bao giờ phải nghĩ đến việc đối phó với "mất điện".

Theo EVN