Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:07 GMT+7

Biến than xấu thành điện… sạch

17/09/2013

Lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) được coi là giải pháp hữu ích cho sản xuất sạch hơn (SXSH) tại các nhà máy nhiệt điện hiện nay.

Có ưu thế là giúp giải quyết triệt để lượng than xấu, sản phẩm sau sản xuất có thể tận dụng để làm gạch không nung, phụ gia cho ngành xi măng… lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) được coi là giải pháp hữu ích cho sản xuất sạch hơn (SXSH) tại các nhà máy nhiệt điện hiện nay.

Sau khi khai thác, than nguyên khai gồm 3 loại chính là than cục, than xô và than cám, trong đó một số loại được xếp vào loại than xấu (than cám 6a, 6b…) do có nhiệt lượng thấp, chỉ trên dưới 4.000kcal/kg, rất khó tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trước đây, lượng than này chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để phục vụ cho một số nhà máy nhiệt điện.

9e135be97_lohoi.jpg

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả là một trong những nhà máy sử dựng thành công công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn

Việc tìm kiếm các công nghệ nhằm tận thu than xấu đã được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) quan tâm từ khá lâu để giải “bài toán” xử lý loại than vốn không “được lòng” thị trường này.

Và lò hơi tầng sôi tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp giúp giải quyết được triệt để vấn đề. Là công nghệ đốt với đặc tính phát thải thân thiện với môi trường so với các lò cũ, nhiệt độ buồng đốt của loại lò hơi này khá thấp nên có khả năng tận dụng được than xấu để đốt lò phát điện. Đặc biệt, công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn không cần sử dụng thiết bị để giảm lượng khí thải mà chỉ cần dùng đá vôi, lượng khí thải sau khi sử dụng lò ước tính giảm từ 5-6 lần so với sử dụng công nghệ lò hơi cũ. Sản phẩm sau sản xuất cũng có thể tận thu để sản xuất các sản phẩm khác.

Cụ thể, được sử dụng tại Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, lò hơi tầng sôi tuần hoàn đã chứng minh đây là công nghệ sạch và phù hợp cho việc xử lý than xấu để phát điện. Cụ thể, nhà máy đã sử dụng hoàn toàn than cám 6b cho phát điện, đồng thời sử dụng phương pháp đốt đá vôi cùng than để khử lưu huỳnh và sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhằm kiểm soát khí thải. Kết quả cho thấy, lò hơi tận dụng rất tốt nguồn than xấu để phát điện. Bên cạnh đó, do hiệu suất đốt than cao, hàm lượng than không cháy hết trong tro xỉ thấp (than cháy kiệt) nên cũng hạn chế lượng tro xỉ thải ra sau khi sản xuất điện. Đặc biệt, lượng xỉ thải còn lại có thể được tận dụng làm gạch không nung, làm phụ gia cho ngành xi măng, dùng trong san lấp mặt bằng, làm đường….

Tương tự như Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê cũng sử dụng hai lò hơi tầng sôi tuần hoàn để đốt than phát điện. Lò có khả năng khử lưu huỳnh trong khói thải bằng việc đốt kèm đá vôi trong buồng đốt, khử bụi tĩnh điện hiệu suất cao (lên đến hơn 99,8%), giúp làm giảm khí và bụi thải. Bên cạnh đó, hệ thống nước thải khép kín, có khả năng tái sử dụng nước thải sau khi xử lý cũng giúp hạn chế thấp nhất việc thải nước ra ngoài môi trường. Việc sử dụng lò hơi tại 2 nhà máy nhiệt điện này cũng chứng minh có hiệu quả về kinh tế bởi sử dụng than nhiệt lượng thấp giúp giảm chi phí sản xuất do giá bán loại nhiên liệu này thấp hơn so với than cám 5 đang được sử dụng phổ biến tại nhiều nhà máy nhiệt điện, từ đó giúp sử dụng nguồn than hiệu quả.

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, cả nước cần đầu tư khoảng 52 dự án nhiệt điện chạy than, công suất 36.000MW, chiếm 48% công suất nguồn điện toàn hệ thống, nhu cầu than khoảng 67,3 triệu tấn. Đến năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên mức 75.748MW (chiếm 51,6% công suất điện toàn hệ thống). Việc sử dụng lò hơi tầng sôi tuần hoàn cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than chất lượng thấp không chỉ mở một hướng đi mới cho việc phát triển các dự án nhiệt điện, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên trong nước, hướng đến SXSH mà còn giúp giảm áp lực cho nhập khẩu than – vấn đề được đánh giá sẽ rất khó khăn kể từ năm 2015.

Thúy Hằng