Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:53 GMT+7

Tăng trưởng xanh: Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn

03/12/2012

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu của Chiến lược là hướng đến xanh hóa sản xuất. Các chuyên gia và DN cho rằng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách và rào cản khá lớn.
 ab8d38738_dien_gio_phu_quy.jpg

Dự án điện gió Phú Quý. 

Dự án xanh “lỗ”

Trên thực tế, nhiều dự án phát triển xanh đang chờ cơ chế chính sách. Đơn cử như Dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma với vốn đầu tư 400 triệu USD của Liên doanh Công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) và Công ty Trisun International Development Pty. Limited (TID, Australia) tại TP.HCM.

Dự kiến nhà máy sẽ có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất ra 1,630 kWh điện/ngày ở dây chuyền thiết bị giai đoạn 1. Trừ lượng điện tiêu tốn cho việc vận hành nhà máy (45%), còn cung cấp 55% sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia.

“Hiện nguồn vốn và công nghệ cho nhà máy đã sẵn sàng nhưng để dự án có tính khả thi, chúng tôi cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Vì, với mức giá điện 7,8 US cent/kWh (1 USD bằng 100 US cent) chúng tôi không thể thực hiện được. Ngay cả Trung Quốc giá điện cũng ở mức 28 US cent/kWh”, Gavin Holland -  Giám đốc TID cho biết.

Một số dự án xanh đã hoàn thành nhưng lâm vào tình trạng “thu không đủ chi” như dự án Điện gió đảo Phú Quý với ba cột tuôcbin gió, tổng công suất 6 MW, vốn đầu tư trên 16 triệu USD của Công ty TNHH Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower RE).

Tháng 8-2012, công trình này chính thức vận hành với hai tuôc-bin đầu tiên cung cấp điện cho Phú Quý. Thế nhưng theo ông Phạm Cương – Giám đốc PVPower RE, để hòa vốn hằng năm tổng công ty đang phải bù lỗ khoảng 10 tỉ đồng.

“Điện gió sản xuất ra ngành điện mua 7,8 US cent/kWh điện. Trong khi đó, chúng tôi tính toán nếu dùng thiết bị của Trung Quốc giá mua phải trên 9 US cent mới có thể có lời. Riêng công trình hiện tại ở Phú Quý giá mua phải 10,36 US cent chúng tôi mới thu hồi vốn trong vòng 12 năm” - ông Phạm Cương cho biết.

Nên hợp tác công tư

Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay Chính phủ mới chi khoảng 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường. Chi phí tăng thêm của việc đầu tư các dự án năng lượng sạch thường được phân bổ lại vào giá bán cho người tiêu dùng hay dùng vốn ngân sách để hỗ trợ. Nhưng trong hoàn cảnh kiềm chế lạm phát và khó khăn về thu ngân sách như hiện nay thì việc đầu tư theo hình thức trên khó khả thi.

Góp ý cho Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn KPMG, cho rằng đầu tư vào tăng trưởng xanh là đầu tư có tính rủi ro cao và có thời gian hoàn vốn dài. Đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi có sự sáng tạo hoặc tính mới mẻ, vốn và thị trường.

Do đó, ông Nam cho rằng nên tạo khung pháp lý cho DN đầu tư vào phát triển xanh, và có đảm bảo về hoàn vốn cũng như quyền lợi của nhà đầu tư để họ yên tâm. DN cũng cần vốn, như từ ngân hàng, các tổ chức… nên Chính phủ cũng phải đảm bảo DN tiếp cận được vốn.

Ngoài ra, nhiều DN cho rằng, một trong những mô hình có thể khuyến khích phát triển xanh trên quy mô rộng là mô hình hợp tác công tư giữa chính phủ và tư nhân (PPP). Mô hình PPP được xem là có thể gắn bó các nguồn lực trong nền kinh tế, như chính phủ, người tiêu dùng, nhà tài trợ, các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo đảm cho các dự án xanh… Chính phủ có thể tạo điểu kiện cho các dự án PPP qua các hình thức ưu đãi như giảm thuế.
 
Theo Báo Hải quan