Thứ hai, 25/11/2024 | 11:37 GMT+7
Trong các loại pin mặt trời, có loại được chế tạo bằng cách sử dụng kỹ thuật lắng hơi, trong đó vật liệu điện quang được trải lên một bề mặt ở nhiệt độ cao và thường ở trong môi trường chân không. Giá thành của loại pin này đương nhiên không thấp.
Trong một nỗ lực cắt giảm chi phí, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã chế tạo một loại mực hấp thụ ánh sáng chứa tinh thể nano đồng indium diselenide. Loại mực này có thể được xịt lên một loạt bề mặt ở nhiệt độ bình thường bằng cách sử dụng bình phun. "Về cơ bản nó giống như việc sơn tường, ngoại trừ các sắc tố đều có mục đích", ông Brigan Korgel, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, quân đội đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng các vật liệu quang điện có thể phun được để tạo ra những chiếc lều có thể sinh năng lượng. Công nghệ này cũng mở ra tiềm năng sản xuất đại trà các cuộn pin mặt trời bằng nhựa, với những ứng dụng đời thường khi sơn lên mái ô tô hoặc túi quần, áo.
Nhiều nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu pin mặt trời dẻo, trong số đó có các nhà khoa học của Viện Công nghệ California ở Pasadena. Họ cho biết, các chất lỏng điện quang chỉ có thể được thương mại hóa một cách hiệu quả nếu chúng có thể chuyển hóa thành điện ít nhất 7% năng lượng ánh sáng chiếu vào chúng.
Nhóm nghiên cứu cho biết, để có thể vượt qua được giới hạn này, họ đang tiến hành loại bỏ sự không đồng đều ở các lớp tinh thể nano được phun.
Tiến Đạt (theo Greenoptimistic.com)