Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:25 GMT+7

Năng lượng mới và tái tạo: Sớm đánh thức những tiềm năng

16/01/2009

Năng lượng mới, năng lượng tái tạo… Những khái niệm từ lâu đã không còn là mới mẻ và xa lạ tại nhiều quốc gia phát triển ở Tây Âu, Bắc Mỹ... nơi có nền sản xuất và trình độ khoa học công nghệ cao với nguồn nhân lực và tài chính dồi dào.

Tại Việt Nam, hiện nay trước nhu cầu ngày càng gắt gao về năng lượng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho sản xuất, sinh hoạt của nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh hội nhập đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những khái niệm trên đã được các nhà hoạch định quản lý, các nhà khoa học…quan tâm tiếp cận nghiên cứu có hệ thống với nhiều hướng gợi mở khả quan. Theo đánh giá ban đầu, các nguồn năng lượng mới và tái tạo của Việt Nam như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối…đều ẩn chứa nhiều tiềm năng và khả năng khai thác. Cái chúng ta cần là làm thế nào để sớm đánh giá và “đánh thức” được những tiềm năng trên nhằm khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.
Mối quan tâm toàn cầu.

Thế giới đang ngày càng ý thức được rõ rệt hơn sự hữu hạn của các nguồn tài nguyên. Vì thế cuộc cạnh tranh tìm kiếm các nguồn năng lượng mới sẽ ngày càng khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nếu mức tiêu thụ năng lượng của thế giới tiếp tục giữ ở mức như hiện nay, dự báo thị trường năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 55% trong thời gian từ năm 2005-2030. Không bàn cãi nhiều, nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu, than vẫn đóng vai trò chủ đạo, chiếm 84% tổng nhu cầu từ nay đến năm 2030 trong đó dầu vẫn là nhiên liệu tiêu thụ nhiều nhất, khoảng 86,5 triệu thùng/ngày trong năm 2008. Với nhu cầu tiêu dùng năng lượng liên tục tăng trong khi các giếng dầu gần như đã hoạt động hết công suất thì trữ lượng dầu mỏ chỉ có thể được khai thác thêm khoảng 40–50 năm nữa. Mặc dù đã có những nghiên cứu và áp dụng các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, năng lượng sạch… thì việc sử dụng các nguồn năng lượng này trên một quy mô lớn vẫn còn là một tương lai xa vời.

 Tại châu Âu, Đức được coi là quốc gia giữ vai trò tiên phong trong việc khai phá và đầu tư vào lĩnh vực những nguồn năng lượng tái sinh, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng năng lượng gió. Hiện nay, việc sử dụng năng lượng gió (phong điện) tại Đức chiếm khoảng 28% tổng năng lượng gió của thế giới, vượt xa một số quốc gia khác có thế mạnh về lĩnh vực này như: Mỹ, Tây Ban Nha và Ấn Độ… Không dừng lại ở đó, Đức còn thể hiện vai trò đi đầu trong các sản phẩm có khả năng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng như các động cơ tiêu thụ ít năng lượng đã và đang được đầu tư nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Centre) của hãng Daimler Chrisler, BMW; các nồi hơi đốt bằng khí có chỉ số đốt cao; những vật liệu xây dựng cách nhiệt và giữ nhiệt cho nhà ở… Theo cam kết của các quốc gia trong Nghị định thư Kyoto, trong 5 năm tới sẽ tăng thành phần năng lượng tái sinh lên khoảng 5% tổng số năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Vì vậy hiện nay những công nghệ và sản phẩm liên quan đến năng lượng tái tạo có “xuất xứ từ Đức” đang ngày càng thu hút được mối quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam…


Tiềm năng của Việt Nam

 

Theo các nghiên cứu, nguồn năng lượng mới và tái tạo của Việt Nam được đánh giá qua “trữ lượng” của nhiều nguồn như năng lượng địa nhiệt với khoảng hơn 300 nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ bề mặt từ 30-105oC, tập trung nhiều tại Tây Bắc, Trung bộ.

Với năng lượng mặt trời, do Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới nên số giờ nắng trung bình khoảng 2.000-2.500 giờ/năm với tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150Kcal/cm2/năm. Nguồn năng lượng này được sử dụng để cấp điện qua các tấm pin mặt trời, các thiết bị biến đổi quang năng thành nhiệt năng trong các bình đun nước, máy sấy nông sản… Hiện nay tại Việt Nam, đã có một số công ty tập trung hướng đầu tư nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời. Đây được coi là hướng đi đúng đắn và có nhiều ưu thế của Việt Nam trong bối cảnh nguồn điện năng cung cấp rất “chập chờn” như hiện nay vào những cao điểm. Ngoài ra tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam cũng không nhỏ. Theo các nghiên cứu gần đây, mức độ phân bố mật độ năng lượng gió của Việt Nam được xác định trong khoảng từ 800-1400 KWh/m2/năm tại các hải đảo; 500-1.000 KWh/m2/năm tại vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và duyên hải Nam bộ; 500 KWh/m2/năm tại các khu vực khác. Tiềm năng năng lượng sinh khối bao gồm gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp... của Việt Nam cũng được đánh giá cao với khoảng 43-46 triệu tấn dầu tương đương (TOE)/năm, trong đó khoảng 60% là năng lượng gỗ củi (26-27 triệu TOE) và 40% năng lượng rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp (17-19 triệu TOE). Riêng năng lượng khí sinh học, tiềm năng lý thuyết được đánh giá sơ bộ khoảng 0,4 triệu TOE/năm, nhưng tiềm năng có khả năng khai thác được chiếm khoảng 10%.


Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010 và khoảng 5% vào năm 2020, đến năm 2050 sẽ là 11%.


Tuy nhiên về công tác điều tra quy hoạch, cho đến nay các dạng năng lượng mới và tái tạo chưa được đánh giá đầy đủ, bởi vậy chúng ta vẫn cần có kế hoạch đầu tư thích đáng cho việc điều tra bổ sung các số liệu, tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng năng lượng này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lý. Việc lập các tổ chức chuyên trách thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau để điều tra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cũng phải được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó phải tăng cường tuyên truyền sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng như xây dựng cơ chế quản lý thích hợp để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này.


Một trong những công tác quan trọng khác là phải lồng ghép sử dụng năng lượng mới và tái tạo vào chương trình tiết kiệm năng lượng và các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình điện khí hóa nông thôn, xóa đói giảm nghèo…


Đối với công tác đầu tư, Nhà nước khuyến khích các DN xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng mới như các loại bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, động cơ gió, hầm khí sinh vật… ở những nơi có điều kiện. Các DN cũng được “xác lập” cơ chế thông thoáng và cởi mở trong việc xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ của các nước đã phát triển để tiến hành lắp ráp, chế tạo trong nước. Các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước được phép đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.


Là một quốc gia có tiềm năng về năng lượng mới và tái tạo, song chúng ta vẫn còn có những hạn chế, rào cản về công nghệ và tài chính dẫn đến việc chậm trễ trong việc phát triển các dạng năng lượng này. Thời gian tới chỉ bằng những nỗ lực cụ thể trong đầu tư nguồn tài chính, nhân lực, công nghệ và hợp tác quốc tế, Việt Nam mới hy vọng sớm có được những bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để sớm đưa năng lượng mới và tái tạo trở thành một yếu tố quan trọng trong cân bằng nhu cầu năng lượng tổng thể quốc gia và nguồn năng lượng này cũng sớm trở thành “một phần tất yếu” trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và của nền kinh tế./.

 

(Nguồn: Kinh tế VN)