Theo báo cáo năm 2022 của Công ty Senseye thuộc tập đoàn Siemens, thời gian ngừng máy ngoài kế hoạch khiến các công ty Fortune Global 500 mất 11% doanh thu hằng năm của họ, tương đương gần 1,5 nghìn tỷ USD. Chi phí ngừng máy hằng năm hiện là 129 triệu USD tại mỗi cơ sở, tăng 65% trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Senseye trong năm 2019-2020.
Tại Việt Nam, ước tính một giờ ngừng sản xuất do máy bị hư hỏng ở một số ngành công nghiệp gây tổn thất khoảng 10 – 20 ngàn USD (thép, giấy), 5 ngàn USD (gia công kim loại), 2 ngàn USD (hóa chất), 10 ngàn USD (điện),… Nếu ngừng máy do hư hỏng trong một ngày, một nhà máy đường Việt Nam có sản lượng 6.000 tấn/ngày bị thiệt hại trung bình khoảng 2,4 tỷ đồng.
Tại hội thảo “Giải pháp số hóa giúp doanh nghiệp cơ khí quản lý, bảo trì thiết bị và tiết kiệm năng lượng”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN CESTI thuộc Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 29/11, PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội KHKT Cơ khí TPHCM cho rằng, nếu giảm được chi phí thời gian ngừng máy, bảo trì tốt máy móc thiết bị, sẽ cắt giảm được chi phí sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng suất, doanh thu, lợi nhuận, cũng như cải thiện được điều kiện làm việc, môi trường lao động được an toàn.
Theo PGS Tuấn, bằng cách sử dụng các công nghệ (AI, IoT,…), các công ty có thể xác định các trường hợp có xu hướng khiến máy bị hư hỏng và theo dõi các thông số đầu vào để can thiệp trước khi xảy ra hư hỏng, hoặc sẵn sàng thay thế máy khi xảy ra, nhờ đó giảm thiểu thời gian ngừng máy. Bảo trì dự đoán thường giúp giảm thời gian ngừng máy của máy từ 30% – 50% và tăng tuổi thọ máy từ 20% – 40%.
Phần mềm quản lý bảo trì giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
TS Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Công ty phần mềm Vietsoft, cho biết, năm 2001, Sở KH&CN TPHCM đã đặt hàng nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện đề tài phát triển phần mềm quản lý ngành may mặc. Tiền thân từ nghiên cứu này, Công ty phần mềm Vietsoft được thành lập nhằm hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Năm 2004, Công ty Phần mềm Vietsoft tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát triển phần mềm Quản lý thiết bị và bảo trì (Ecomaint). Đây cũng là phần mềm quản lý bảo trì đầu tiên tại Việt Nam được nghiên cứu và phát triển. Đến nay, Vietsoft Ecomaint ngày càng hoàn thiện và giúp doanh nghiệp vận hành hệ thống bảo trì theo tiêu chuẩn thế giới, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của các hệ thống quản lý như TPM, ISO 9000, ISO 55000…
Phần mềm Vietsoft Ecomaint được viết bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt, đáp ứng khả năng quản lý các thiết bị công nghiệp phức tạp, quản lý đến từng bộ phận, phụ tùng. Ngoài lịch sử bảo trì chung của thiết bị, người dùng có thể xem lịch sử thay thế phụ tùng trên từng vị trí, tính được tuổi thọ, xem được nguồn gốc của từng phụ tùng mua từ đâu, ai là người thay thế. “Yêu cầu này là rất cần thiết cho các thiết bị phức tạp và đắt tiền mà những phần mềm bảo trì đơn giản thường không cung cấp được các thông tin chi tiết như vậy”, bà Hà nói.
Quản lý bảo trì dựa trên mức tiêu thụ năng lượng.
Phần mềm còn cho phép truyền thông tin khẩn cấp (hư hỏng đột xuất và tình hình xử lý sự cố) qua điện thoại, nhắn tin, zalo,…; đồng thời, có chức năng giúp tính toán OEE (hiệu suất thiết bị tổng thể) bằng cách nhập các dữ liệu kế hoạch, định mức và tiến độ sản xuất thực hiện thực tế vào phần mềm. Các công ty cần thông tin OEE và kiểm soát tiến độ sản xuất theo thời gian thực có thể sử dụng hệ thống andon (cảnh báo sản xuất) tích hợp với Vietsoft Ecomaint. Bên cạnh đó, phần mềm có thể tích hợp với các thiết bị thu thập dữ liệu tự động khác như thiết bị giám sát năng lượng, thiết bị giám sát tình trạng thiết bị…
Bà Hà cho biết thêm, năm 2021, Công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển phương thức quản lý bảo trì dựa trên mức tiêu thụ năng lượng (Motor Watch). Hệ thống gồm một động cơ điện 3 pha có các cảm biến dòng điện và bộ lọc dữ liệu, được gắn vào hệ thống điện của máy móc, động cơ và sử dụng phần mềm Ecomaint để phân tích dữ liệu. Khi mức tiêu thụ điện năng vượt định mức, hệ thống sẽ kích hoạt hoạt động bảo trì để thực hiện tiết kiệm điện từ các động cơ.
Vietsoft còn nghiên cứu phát triển hệ thống giám sát hoạt động của động cơ (MTW), giúp phân tích hiệu quả sử dụng máy dựa trên thời gian chạy có tải và không tải; đồng thời theo dõi liên tục tình trạng của động cơ, cảnh báo nóng các bất thường, báo cáo kiểm toán năng lượng theo thời gian thực và phân tích các lãng phí. Bên cạnh đó, hệ thống có thể thu thập và thống kê dữ liệu tiến độ sản xuất theo đơn hàng, số lượng, tránh sản xuất thừa, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đáp ứng thời gian giao hàng.
Nhờ áp dụng các giải pháp quản lý bảo trì Vietsoft, nhiều doanh nghiệp như Vifon, Nhựa Tân Tiến, Nutifood, Nhà máy Bình Dương… đã giảm được 72% thời gian và 60% số lần dừng máy trong 3 năm cũng như đánh giá nhanh chóng được nguyên nhân hư hỏng để dự trù vật tư, thiết bị thay thế.
Theo: Tạp chí Tia sáng