Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:12 GMT+7

Điện lực Đà Nẵng giải “bài toán” giảm tổn thất điện năng bằng số hóa

20/05/2022

“Tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ đo xa” là một trong những công trình đoạt Giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021) do Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng chủ trì nghiên cứu.

Nhóm tác giả nghiên cứu ứng dụng dữ liệu hệ thống đo xa (như chỉ số công tơ, biểu đồ phụ tải) và đưa ra thuật toán để xây dựng chương trình tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo các cấp điện áp tự động theo thời gian thực.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ứng dụng giải pháp của đề tài vào thực tiễn
ThS. Huỳnh Thảo Nguyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm tác giả đã xây dựng chương trình tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo các cấp điện áp gồm các Modul như: Modul tính toán tổn thất lưới 110 kV hằng ngày, giúp theo dõi được tổn thất hàng giờ, hằng ngày đến chi tiết từng nhánh rẽ 110 kV, biểu đồ trực quan.
Modul tính toán tổn thất lưới trung áp hằng ngày, theo dõi được tổn thất hằng giờ, hằng ngày theo từng đơn vị, biểu đồ trực quan; Modul tính toán tổn thất lưới hạ áp hằng ngày giúp theo dõi được tổn thất hằng ngày của từng TBA công cộng, phát hiện được các tổn thất bất thường do chuyển tải hoặc sự cố đo đếm tại công tơ tổng.
Đối với tổn thất điện năng hằng ngày lưới hạ áp, tác giả kết hợp dữ liệu đo xa, dữ liệu Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS và phương pháp thống kê để ước lượng thương phẩm của tất cả các khách hàng thuộc trạm biến áp (TBA) công cộng trong trường hợp không đủ dữ liệu do bị offline, nhờ đó giảm được sai số kết quả tính toán.
Nhóm tác giả đã sớm triển khai việc tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ năm 2015 (lưới 110 kV), năm 2019 (lưới trung áp) và năm 2020 (lưới hạ áp) và đã được Công ty Điện lực Đà Nẵng, Tổng công ty Điện lực Miền Trung công nhận sáng kiến, ý tưởng.
Hiệu quả mang lại trong thực tế
Công ty Điện lực Đà Nẵng đã triển khai áp dụng chương trình tính toán tổn thất điện năng hằng ngày và đã hỗ trợ phát hiện kịp thời nhiều vụ sự cố đo đếm như: Sự cố đo đếm do sét đánh tại trạm 220 kV Hòa Khánh vào ngày 18/5/2015; sự cố đấu nhầm biến dòng TI 431E14 tại trạm 110 kV An Đồn E14 từ ngày 18/11/2018 đến 26/11/2018 (đấu nhầm tỷ số 2500/1 thành tỷ số 2000/1)…
Kết quả tính toán tổn thất hằng ngày theo các cấp điện áp từ đo xa
Các sự cố này đều dẫn đến tổn thất tăng cao nếu như không được phát hiện kịp thời. Chẳng hạn, sự cố đấu nhầm biến dòng TI 431E14 tại trạm 110 kV An Đồn E14, nếu không phát hiện kịp thời thì sản lượng đầu nguồn và tổn thất tăng đến 200.000 kWh/ngày và trong 35 ngày sẽ là 7 triệu kWh. Ngoài ra, với 7 triệu kWh tổn thất tăng thêm, với giá bình quân 1.895 đồng/kWh, sẽ tương ứng với tiền điện thất thoát hơn 13,25 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với phần mềm tính toán tự động thời gian thực từ công trình đã mang lại hiệu quả giảm được nhân công tính toán thủ công. "Số lượng TBA công cộng của Công ty Điện lực Đà Nẵng hiện nay hơn 1.900 TBA, tức 1 ngày sẽ cần tương ứng 190 công, con số rất lớn với nhân lực của công ty hiện nay chỉ khoảng 853 người. Khi đó dự kiến chi phí nhân công trong 1 năm nếu tính toán bằng thủ công sẽ hơn 17 tỷ đồng/năm" - ThS. Huỳnh Thảo Nguyên cho hay.
Về hiệu quả xã hội, giải pháp tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp hoàn toàn tự động từ dữ liệu đo xa giúp nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ kiểm soát, phân tích đánh giá tổn thất theo từng cấp điện áp, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp đồng bộ nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng cấp trên giao cũng như góp phần đảm bảo thực hiện tốt lộ trình giảm tổn thất điện năng trong các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh hiện đại hóa hệ thống đo đếm trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với hạ tầng dữ liệu hiện có, mô hình giải pháp có thể được triển khai áp dụng thống nhất tại tất cả công ty điện lực trong toàn EVN.
Theo: Báo Công Thương