Để đạt được kết quả đó, PC Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp, đầu tiên phải kể đến là đầu tư cải tạo, phát triển hạ tầng lưới điện. Bên cạnh việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng được tin cậy, ổn định; việc đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện, đặc biệt là các dự án xây dựng xuất tuyến trung áp mới nhằm san tải các xuất tuyến đang mang tải cao, đảm bảo các xuất tuyến trên lưới điện Đà Nẵng vận hành dưới 200A đã góp phần giảm đáng kể lượng TTĐN do phát nóng gây ra khi phụ tải tăng cao. Trong năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, TP Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội cùng với tình hình thời tiết không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công tác đầu tư lưới điện. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, PC Đà Nẵng đã huy động tổng lực, đẩy mạnh việc thi công các công trình đầu tư xây dựng trong quý 4/2021, qua đó đã hoàn thành kế hoạch đề ra.
PC Đà Nẵng kết hợp nhiều giải pháp nhằm giảm TTĐN hiệu quả.
Song song với việc giảm TTĐN trên lưới điện trung áp, PC Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp giảm TTĐN trạm biến áp công cộng như: tập trung thực hiện đầu tư cấy mới các TBA phân phối sâu vào tâm phụ tải nhằm giảm bán kính cấp điện lưới điện hạ áp (bán kính cấp điện lưới hạ áp khu vực thành phố, thị xã, thị trấn không được vượt quá 400 mét, các khu vực còn lại không được vượt quá 600 mét); tăng cường cáp hạ thế cho các TBA tổn thất cao; hạn chế nâng công suất và tránh cấp điện cho khách hàng chuyên dùng qua TBA công cộng…
PC Đà Nẵng cũng đã tích cực triển khai tính toán hoán chuyển, thực hiện đóng tách tụ bù cho phù hợp với nhu cầu phụ tải tại các thời điểm, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai cải tạo và ghép tụ bù hiện có thành tụ bù có điều khiển đóng cắt. Đến tháng 9/2021, PC Đà Nẵng đã đóng điện thành công công trình “Tối ưu vận hành tụ bù trung áp năm 2021”. Công trình này thực hiện chuyển đổi 7 vị trí từ tụ bù cố định chuyển sang tụ bù động và bổ sung 7 dao cắt tụ kết hợp với 7 cụm tụ bù.
Đồng thời, PC Đà Nẵng đã triển khai xây dựng chương trình theo dõi tình hình bù công suất phản kháng tại các xuất tuyến nhằm tối ưu hóa việc tác đóng/cắt tụ bù trên lưới điện. Với quyết tâm đảm bảo tối ưu công suất phản kháng trên lưới điện vận hành, PC Đà Nẵng hiện không xảy ra tình trạng thiếu bù hoặc quá bù tại các xuất tuyến trung áp.
Đáng chú ý, trong năm 2021, cùng với các giải pháp kỹ thuật, PC Đà Nẵng cũng triển khai ứng dụng công nghệ đo xa trong kiểm soát tổn thất hằng ngày. Cụ thể là triển khai giải pháp “Tính toán tổn thất hằng ngày lưới hạ áp từ đo xa”, góp phần hỗ trợ kiểm soát tổn thất lưới hạ áp các trạm biến áp công cộng, nhất là trạm có tổn thất cao trên 5%, từ đó phát hiện được các tổn thất bất thường do chuyển tải hoặc sự cố đo đếm tại công tơ tổng.
Giải pháp được nghiên cứu trên cơ sở ước lượng thống kê, nhằm ước lượng toàn bộ điện thương phẩm hằng ngày của trạm trên cơ sở số liệu đo xa thu thập được và hóa đơn tháng trước của trạm. Giải pháp trên kết hợp với chức năng giám sát tổn thất điện năng hằng ngày lưới điện 110kV, lưới trung áp; chức năng kiểm tra sơ đồ đấu dây và kiểm tra sự cố đo đếm gián tiếp... đã kiểm soát chặt chẽ đo đếm, phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra tổn thất bất thường.
Ông Võ Văn Phương – Phó phụ trách Phòng Kỹ thuật PC Đà Nẵng cho biết: “Công ty đạt được kết quả TTĐN như trên là nhờ thực hiện tốt nhiều giải pháp; trong đó có 3 giải pháp cơ bản: quản lý vận hành, quản lý kinh doanh và nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn. Những giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao trong việc giảm TTĐN trên lưới điện TP Đà Nẵng trong năm vừa qua”.
Năm 2022, PC Đà Nẵng quyết tâm đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu TTĐN; tiếp tục phấn đấu lọt vào top các Công ty Điện lực thực hiện tốt nhất toàn EVN về TTĐN.
Theo: Tổng công ty Điện lực miền Trung