Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:32 GMT+7

Công nghệ số - Giải pháp hữu ích để tiết kiệm năng lượng và hướng đến phát triển bền vững

10/11/2022

Công nghệ xanh và công nghệ tiết kiệm năng lượng đang là những giải pháp hữu ích giúp hướng đến sự phát triển bền vững, ổn định cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tự động hóa việc kiểm soát năng lượng
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng.
Ngành năng lượng Việt Nam đang được định hình trong một giai đoạn phát triển mới, toàn diện, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.
Sử dụng năng lượng hiệu quả, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng
Việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, nhằm loại bỏ những rào cản và kiểm soát nguy cơ phát sinh về gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng trực tiếp giải quyết các vấn đề cốt lõi trong yêu cầu phát triển bền vững, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia như: Giảm áp lực đầu tư nguồn điện, nguồn năng lượng mới; Bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; Giảm cường độ năng lượng quốc gia; Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính và đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo số liệu từ EVN, Hiện cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE trở lên, tương đương 6 triệu kWh/năm), hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Mức tiêu thụ điện bình quân của các cơ sở này lên tới 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.
Nếu các doanh nghiệp này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh đánh giá tiềm năng trong việc tiết kiệm điện trong khối DN sản xuất còn rất lớn. Sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ. Đặc biệt với khối công sở, cơ sở sản xuất thì lượng điện tiết kiệm này là không hề nhỏ.
Một số công nghệ điển hình đem đến khả năng tiết kiệm năng lượng đã được chứng minh hiệu quả như: Thay thế các thiết bị công nghệ lạc hậu tốn nhiều điện năng bằng các thiết bị mới hiện đại hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất.
Lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao, bao gồm các động cơ, hệ thống chiếu sáng, máy bơm, các thiết bị nhiệt và thông gió. Sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện hoặc nhiên liệu trong các doanh nghiệp công nghiệp.
Việc ứng dụng biến tần điều khiển tốc độ cho các động cơ trong nhà máy theo yêu cầu thực tế cũng là một phương pháp đã được chứng minh khả năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong rất nhiều ứng dụng khác nhau như: Máy nén khí, quạt lò hơi, máy nghiền, bơm…
Ngoài ra, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và thậm chí có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho nhà cung cấp. Đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là vấn đề tiết kiệm năng lượng cho từng cơ sở tiêu thụ mà còn góp phần giảm phụ tải cho hệ thống điện chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Xanh hóa” doanh nghiệp
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận định, việc xác định đầu tư xanh, chuyển đổi xanh như một chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất.
Chính vì vậy, ông Thi cho rằng, kết hợp sự thay đổi của cả địa phương và doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng hình thành sau đại dịch Covid-19.
Các nhà máy hiện đại của Vinamilk luôn xác định nguồn năng lượng chính là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, là công ty công nghệ có hoạt động trên toàn cầu, Qualcomm hiểu rằng, công nghệ là công cụ quan trọng để giúp các quốc gia và doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chính công ty này cũng có cam kết thực hiện chuyển đổi xanh tại COP 26, tới 2030 giảm thải khí nhà kính và đạt "mục tiêu net zero" vào năm 2050.
Để thực hiện cam kết này, Qualcomm đã áp dụng tất cả biện pháp để giảm tiêu thụ tại tất cả cơ sở sản xuất. Qualcomm cũng làm việc với các nhà cung ứng để họ thực hiện chuyển đổi xanh có lộ trình.
Ngoài ra, Qualcomm áp dụng mục tiêu giảm tiêu thụ điện cho các sản phẩm của mình, ví dụ như nền tảng chip của Qualcomm dùng trên smartphone và IoT. Một trong những hạ tầng quan trọng là 5G, mục tiêu giảm tiêu thụ và giảm chất thải ra môi trường. Hiện nay, công nghệ 5G giúp giảm 20% giảm tiêu thụ và phát thải ra môi trường so với trước kia.
Còn Orsted Việt Nam, một công ty năng lượng tái tạo đã cam kết thực hiện những hành động thiết thực nhằm tạo ra một thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh.
Ông Henrik Poulsen, Cựu Giám đốc điều hành công ty này cho biết, Orsted đã từng là một trong những công ty năng lượng sử dụng nhiều than nhất ở Châu Âu. Ngày nay, chúng tôi là công ty năng lượng bền vững nhất thế giới và là công ty dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh
Các hoạt động và việc sản xuất năng lượng của Orsted sẽ trở thành trung tính carbon trước năm 2025, đưa chúng tôi đi trước các mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Đến năm 2040, chúng tôi có tham vọng rằng toàn bộ chuỗi giá trị của mình cũng sẽ là trung tính carbon. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp chiến lược để đạt được tham vọng này, bao gồm cả việc tìm ra các giải pháp mới để khử carbon trong các lĩnh vực như thép và tàu thuyền” – ông Henrik Poulsen cho hay.
Về phía doanh nghiệp nội,Vinamilk là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ áp dụng ISO 50001 (Tiêu chuẩn của Hệ thống quản lý năng lượng). Đây được xem là chiến lược quan trọng trong nhiều năm qua khiến Vinamilk đã trở thành doanh nghiệp tiên phong thực hành kinh tế tuần hoàn. Các nhà máy của Vinamilk đều đạt các chứng nhận FSSC 22000, ISO 14001, ISO 50001, OHSAS 18001. Kiểm soát năng lượng chuẩn ISO 50001, Kiểm soát môi trường chuẩn ISO 14001.
Tại các nhà máy hiện đại của Vinamilk, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng chính trong hoạt động sản xuất. Nhiên liệu Biomass từ vỏ trấu, xơ dừa, mùn cưa, dăm gỗ được chuyển thành năng lượng lò hơi phục vụ cho sản xuất - thân thiện với môi trường. Năng lượng Biomass chiếm 35% năng lượng sử dụng và tăng dần qua các năm (Vinamilk có 9 nhà máy đang sử dụng năng lượng từ Biomass).
Công ty TNHH đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt (VIPACO) là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ngành nhựa. Lãnh đạo công ty đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và đã hoàn tất các yêu cầu để đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Đầu tư cho những thiết bị có hiệu suất cao là một trong những giải pháp lớn đã được công ty áp dụng hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp khẳng định rằng việc chuyển đổi xanh là hoàn toàn có thể. Và nó sẽ đem lại những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp, những nền kinh tế và cộng đồng địa phương.
Theo: Tuổi trẻ Thủ đô