Thứ tư, 15/01/2025 | 19:39 GMT+7

Dệt lụa Nam Định tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả

04/12/2023

Nhờ áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định (Dệt lụa Nam Định) đã giảm chi phí năng lượng từ khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng xuống còn khoảng hơn 1,6 tỷ đồng/tháng.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí về nhiên liệu đầu vào, trong đó điện sản xuất chiếm 12-13% tổng giá thành sản phẩm dệt may. Đặc biệt, tình trạng máy móc lạc hậu, thiếu ý thức tiết kiệm điện, nhiên liệu của doanh nghiệp còn đẩy chi phí này lên cao hơn, gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất.
Ý thức được vấn đề này, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã thực hành tiết kiệm điện từ nhiều năm nay, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng và góp phần giảm lượng điện tiêu hao, giảm tình trạng thiếu điện trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ để tiết kiệm điện năng (Ảnh: Tập đoàn Dệt may Việt Nam)
Quyết liệt trong quản lý
Ông Vũ Thế Dương - thành viên ban năng lượng Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định cho biết: Năng lượng chiếm chi phí rất lớn để cấu thành nên giá sản phẩm. Hướng đến sản xuất xanh và phát triển bền vững nên việc giảm chi phí năng lượng là mục tiêu được Ban lãnh đạo công ty chú trọng. 
Công ty đã và đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động tới từng cán bộ nhân viên (CBCNV) sử dụng tiết kiệm điện năng. Mỗi nhà máy xây dựng quy định về việc thực hiện an toàn, tiết kiệm điện trong việc vận hành các thiết bị điện sản xuất và hệ thống chiếu sáng trong các phân xưởng; yêu cầu người lao động nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, Dệt lụa Nam Định còn thành lập Ban quản lý năng lượng gồm lãnh đạo công ty và thành viên trong các nhà máy, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, xây dựng và ban hành chính sách sử dụng năng lượng. Các thành viên tham gia trực tiếp trong Ban quản lý năng lượng được ưu tiên đào tạo, tiếp thu các kiến thức về sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó phổ biến, tuyên truyền và áp dụng tới nhân viên. Các tổ tiết kiệm năng lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhu cầu tiêu thụ của thiết bị.
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của CBCNV, Dệt lụa Nam Định đã đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư nâng cấp nâng cao tuổi thọ các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, đảm bảo cung cấp điện, hơi, nước cho dây chuyền sản xuất ổn định từng bước giảm tiêu hao nhiên liệu năng lượng.
Công ty đã triển khai lắp đặt các biến tần khu vực khí nén nhà máy sợi; Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà; Lắp thiết bị đo đếm điện, hơi , nước để kiểm soát, tính toán chi tiết tình hình tiêu thụ năng lượng ở từng khu vực, bộ phận.
Ông Vũ Thế Dương cho biết: Hàng năm Công ty xuất khẩu một lượng sản phẩm rất lớn. Hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường của các thị trường nhập khẩu rất khắt khe. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường công ty đã tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị với những máy móc thiết bị hiện đại ít sử dụng sử dụng điện, nước. "Để có được chứng chỉ sản xuất xanh, Công ty đầu tư lò hơi công nghệ đốt bằng biomas (dùng nguyên liệu như gỗ, trấu, viên nén) thay bằng lò hơi đốt than đá." - ông Dương cho biết.
Nhờ áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định (Dệt lụa Nam Định) đã giảm chi phí năng lượng từ khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng xuống còn khoảng hơn 1,6 tỷ đồng/tháng.
Với lợi thế từ chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – Nhuộm hoàn chỉnh, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã xây dựng các sản phẩm vải cao cấp (Ảnh: Tập đoàn Dệt may Việt Nam)
Tiết kiệm năng lượng đã, đang thực sự đem lại hiệu quả lâu dài cho các doanh nghiệp dệt may. Việc quản lý và đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể nói với hàng loạt giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định được xem là hình mẫu về mô hình quản lý năng lượng hiệu quả cùng quy trình sản xuất sạch hơn, phát triển bền vững để các doanh nghiệp tham khảo, áp dụng.
Theo Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may còn tới  20% . Vì vậy, đổi mới công nghệ, nâng cao cải tiến kỹ thuật là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh. 
Anh Thư