Thứ tư, 15/01/2025 | 15:48 GMT+7
Nếu các doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng. Dù vậy, tiềm năng kỹ thuật để có thể tiến hành tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp từ 20-30%, thậm chí có lĩnh vực có thể lên tới 40%.
Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam lên đến 25-40% (tiềm năng kỹ thuật). Đây là con số được mang rất nhiều kỳ vọng đối với nguồn điện năng của Việt Nam.
Theo kết quả thực hiện Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ cũng chỉ rõ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp đang rất lớn.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc các lĩnh vực khác nhau như giấy, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng…, đã có 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn là 2,6 năm.
Như vậy số điện năng được tiết kiệm là rất lớn, cùng với đó chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho việc mua điện cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, tỷ lệ giữa giải pháp tiết kiệm năng lượng được để xuất so với số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát là quá lớn hay nói cách khác doanh nghiệp đang chưa thực sự chú trọng trong việc tìm ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp.
Kết quả dự án trên cũng cho biết, đến nay, có 10 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn có tiềm năng tiết kiệm năng lượng đã được lựa chọn kiểm toán năng lượng như: Công ty CP Giấy An Hòa; Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại…
Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành điện, khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu doanh nghiệp điều chỉnh phụ tải vào giờ cao điểm, giảm được 1%, tương đương 1 tỷ kWh điện một năm, thì đã tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng.
Nếu các doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Về khung pháp lý cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, hiện Việt Nam đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, có hiệu lực từ năm 2011.
Với các doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2014, Bộ Công Thương đã bắt đầu xây dựng thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trên một sản phẩm, điển hình như ngành bia, giấy, nhựa, thuỷ hải sản…
Một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp tiết giảm năng lượng hiện nay là đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, sản xuất chế tạo... đã chủ động hướng đi, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện ở những nước phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp thường chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, việc thực hiện tiết kiệm năng lượng phần lớn do các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đảm nhiệm. ESCO là doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động để cung cấp các dịch vụ năng lượng như: giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng toàn diện và bảo tồn năng lượng; đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng năng lượng, cung cấp năng lượng và quản lý rủi ro…
Khách hàng là các bên sử dụng năng lượng, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các dịch vụ như kiểm toán năng lượng, tư vấn một hoặc nhiều giải pháp, đầu tư, cung cấp, lắp đặt, vận hành hệ thống trang thiết bị, máy móc do ESCO cung cấp. Theo đó, tùy theo mô hình triển khai, chủ đầu tư có thể là doanh nghiệp hoặc là các ESCO thông qua các hợp đồng: ESCO tư vấn/cung cấp dịch vụ năng lượng; hợp đồng hiệu quả năng lượng (gồm 2 dạng phổ biến: hợp đồng chia sẻ tiết kiệm năng lượng và hợp đồng đảm bảo tiết kiệm năng lượng).
Theo chuyên gia năng lượng, hiện nay có 2 mô hình thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Một là mô hình ESCO làm tổng thầu để phát triển và triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Trong mô hình này, ESCO đóng vai trò trung gian giữa chủ đầu tư (DN) và các ESCO thầu phụ chịu trách nhiệm đảm bảo mức tiết kiệm năng lượng trong hợp đồng ký kết.
Hai là mô hình ESCO làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về thu xếp vốn để đầu tư phát triển và triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Những thành quả sau đầu tư được các bên chia sẻ từ kết quả tiết kiệm năng lượng.
Tiết kiệm điện, ngoài doanh nghiệp, chủ thể sử dụng năng lượng trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện thành công thì nhà nước và các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện và ngược lại là xử phạt các doanh nghiệp không có ý thức tiết kiệm điện năng.
Nguồn: PetroTimes