Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:04 GMT+7

Cam kết làm mát toàn cầu: Giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng

11/01/2024

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu...

Cùng với 62 quốc gia trên thế giới, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp điều hòa không khí chuyển đổi công nghệ, góp phầm giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.
Ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Thưa ông, Cam kết làm mát toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng của Việt Nam?
Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai (UAE), đã diễn ra Lễ công bố Cam kết làm mát toàn cầu (Global Cooling Pledge). Đây là sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất. Các tổ chức hỗ trợ là Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các đối tác gồm: Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) và Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA).
Tại Lễ công bố, Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Theo đó, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia thực hiện mục tiêu giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính của lĩnh vực làm mát toàn cầu vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm đóng góp thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.
63 quốc gia đã tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Ảnh Thùy Hương
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Việc Việt Nam tham gia cam kết này là phù hợp với xu thế chung của thế giới, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, đây là cơ hội để nước ta triển khai các chương trình, dự án hợp tác với tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như: Chuyển đổi sang công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm chi phí điện năng, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên... phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc thay đổi công nghệ làm mát cũng giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng trong khi nhu cầu kho lạnh, phát triển công nghiệp công nghệ cao ngày càng gia tăng, Việt Nam cần làm gì để vừa đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng, thưa ông?
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhưng đã sớm chủ động có các chủ trương, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và có những cam kết cụ thể về mục tiêu, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, do đó, nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi sự tăng trưởng tương ứng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp liên quan đến làm mát, như sản xuất thực phẩm, y tế, du lịch, giáo dục... Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các chương trình, kế hoạch sử dụng các giải pháp làm mát hiệu quả, an toàn và bền vững, không chỉ giúp sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân. Để triển khai có hiệu quả các giải pháp làm mát bền vững trong bối cảnh bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện chuyển đổi công nghệ sang sử dụng các môi chất lạnh có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0”; cải thiện hiệu suất năng lượng của các thiết bị lạnh; tăng cường sử dụng các giải pháp làm mát thụ động trong quy hoạch và thiết kế công trình xây dựng, đô thị làm giảm nhu cầu sử dụng thiết bị lạnh.
Thứ hai, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ làm lạnh tiên tiến sử dụng các chất thay thế có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp; nghiên cứu nâng cao hiệu suất năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính của thiết bị, hệ thống chuỗi lạnh theo tiếp cận vòng đời sản phẩm.
Thứ ba, triển khai các chương trình đào tạo về ứng dụng các mô hình làm mát bền vững và các giải pháp dựa vào tự nhiên để làm mát ở các quy mô ứng dụng khác nhau; thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn cho các kỹ thuật viên về các biện pháp giảm thiểu rò rỉ chất được kiểm soát ra môi trường trong quá trình lắp đặt, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, sản phẩm có chứa các chất được kiểm soát.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và nguồn vốn thực hiện các hoạt động bảo vệ tầng ozone, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và làm mát bền vững.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về trách nhiệm thực hiện loại trừ các chất được kiểm soát, thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất để chuyển sang các thiết bị, sản phẩm hiệu suất năng lượng cao và sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu.
Để thực hiện Cam kết làm mát toàn cầu tại COP28, theo ông, Việt Nam cần chú ý ưu tiên vấn đề gì và giải pháp để thực hiện?
Cam kết làm mát toàn cầu là thỏa thuận quốc tế, do đó, không ràng buộc pháp lý và không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 1 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng dự thảo “Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát” (gọi tắt là Kế hoạch quốc gia). Dự thảo Kế hoạch quốc gia có nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện cam kết.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung cần thực hiện theo Cam kết vào nội dung Kế hoạch quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023.
Dự thảo Kế hoạch quốc gia đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát và thực hiện làm mát bền vững, gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức; hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực; giám sát và đánh giá. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các hướng dẫn liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình xây dụng sử dụng năng lượng hiệu quả, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS).
Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển và áp dụng các công nghệ làm mát hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng và sử dụng các môi chất lạnh thay thế có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp. Khuyến khích sử dụng nhiệt lượng từ năng lượng tái tạo để cung cấp nước lạnh hoặc hơi nước cho các hệ thống làm mát. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và kiến thức về các hoạt động làm mát bền vững giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng và các đối tác quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Công Thương