Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:26 GMT+7

Sử dụng hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu Net-Zero

09/10/2023

Tòa nhà văn phòng xanh là mục tiêu cốt lõi mà các tòa nhà hiện nay cần hướng tới. Để thực hiện được mục tiêu đó, các tòa nhà đã đi vào vận hành cần áp dụng hiệu quả năng lượng triệt để.

Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi chung của thế giới với những cam kết giảm phát thải nhà kính của chính phủ về Net-Zero. Bên cạnh đó nhu cầu thuê của khách hàng đã thay đổi nhiều sau đại dịch Covid.
Chất lượng không gian làm việc tốt, đảm bảo sức khỏe, tiện nghi cho người sử dụng, và giá trị xanh của tòa nhà sẽ là các tiêu chí được khách hàng đặt lên hàng đầu. Vì vậy để trở thành các đơn vị tiên phong, nhận được các ưu đãi về lợi nhuận khách thuê, nhận các chính sách hỗ trợ, khai thác các yếu tố marketing, thì các chủ đầu tư phải hướng tới mục tiêu trở thành tòa nhà văn phòng xanh.
Thế nhưng, các tòa nhà xây mới hiện lại đang chiếm nhiều lợi thế hơn trong thị trường. Dựa trên Quy chuẩn 09 của Bộ xây dựng về "Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả”, Bộ xây dựng quy định các dự án xây dựng công trình phải áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ ngay giai đoạn thiết kế công trình. Đồng thời đảm bảo giám sát toàn diện quá trình thiết kế, xây dựng và yêu cầu các chủ công trình thường xuyên báo cáo lượng năng lượng tiêu thụ. Điều đó cho thấy, tòa nhà mới vốn đã có nhiều yếu tố hấp dẫn hơn, giờ đây có thêm giá trị xanh - một điểm cộng lớn trong mắt khách hàng thuê, đặc biệt là các khách hàng cao cấp.
Để có thể cạnh tranh và không tốn các chi phí đầu tư mới và lớn cho tòa nhà, hiệu quả năng lượng được đánh giá là phương pháp tối ưu nhất giúp các chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trên.
Câu hỏi đặt ra là đối với các tòa nhà đã đi vào vận hành, cần áp dụng hiệu quả năng lượng như thế nào?
Theo Chuyên gia tư vấn về Hiệu quả năng lượng Ông Trần Quý Năng cho rằng, bước đầu trước khi áp dụng hiệu quả năng lượng cần thực hiện khảo sát lại các hệ thống nhằm tìm ra những yếu tố làm vận hành tòa nhà kém hiệu quả. Từ đó, cân nhắc lựa chọn các nhóm giải pháp phù hợp nhằm tạo ra được tối đa các lợi ích về chi phí, tiện nghi. Ông nhấn mạnh rằng, sử dụng năng lượng hiệu quả không phức tạp và khó áp dụng như chúng ta thường nghĩ, các tòa nhà đã vận hành có thể áp dụng ngay các giải pháp không mất chi phí dựa trên sự phù hợp với cơ sở hiện trạng của từng tòa nhà.
Tham khảo tại phiên trình bày thuộc tọa đàm Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023, Chuyên gia Trần Quý Năng đưa ra những phát hiện rất quan trọng về các lỗ hổng hiện nay trong tòa nhà gây ra vấn đề thất thoát năng lượng lãng phí. Những phát hiện này được đánh giá, tổng hợp thông qua 31 năm làm nghề của chuyên gia và từ 5 công trình tiêu biểu thuộc Dự án EEB2023. Có 3 vấn đề tồn tại lớn và phổ biến nhất khiến sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả.
Vấn đề đầu tiên là vận hành linh hoạt trong tòa nhà còn rất yếu. Vận hành linh hoạt tức là luôn luôn thay đổi thông số vận hành nhằm giúp tòa nhà chỉ cần sử dụng đúng và đủ lượng năng lượng mà đơn vị cần. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng của tòa nhà bị thất bại. Một ví dụ có thể kể đến là vấn đề cung cấp khí mới cho tòa nhà. Bộ phận kỹ thuật cần cung cấp vừa đủ khí mới để đủ oxy cho nhu cầu sử dụng của tòa nhà. Tuy nhiên ngay khi tòa nhà vận hành thiếu linh hoạt, nhiều khí thừa xâm nhập gây ra nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, và khiến cho điều hòa phải hạ nhiệt độ, hạ độ ẩm xuống để tăng tiện nghi cho tòa nhà. Chính những chuỗi hành động trên đã gây ra sự thiếu hiệu quả trong sử dụng năng lượng, gây lãng phí các nguồn điện không cần thiết.
Vấn đề thứ hai là chưa loại bỏ được các nguồn lãng phí năng lượng như hệ thống thiết bị ổ cắm và ánh sáng. Ví dụ cho mỗi ổ cắm 220 Vôn, chỉ cần lắp đặt thiết bị IT kiểm soát, tổ chức các hoạt động hướng dẫn sử dụng thiết bị điện cho khách hàng. Khi đó, chỉ cần mỗi khách hàng dùng tối ưu hơn, dùng đúng hơn, bộ phận quản lý tòa nhà kiểm soát năng lượng tốt hơn, tòa nhà sẽ tiết kiệm nhiều lượng điện năng hơn. Mặc dù là các hệ thống thường bị tòa nhà bỏ quên nhưng chỉ cần cải thiện, sử dụng tối ưu các hệ thống này sẽ giúp tòa nhà vừa có thể giảm năng lượng được sử dụng, vừa giảm nhiệt lượng phát sinh từ các hệ thống này gây ra. Từ đó, giúp tiếp tục giảm chi phí điện sử dụng điều hòa. Có thể nói trong cùng 1 giải pháp có thể giải quyết 2 vấn đề gây ra thiếu hiệu quả năng lượng.
Vấn đề thứ ba là kỹ năng vận hành tiết kiệm năng lượng của nhân viên còn hạn chế. Theo chia sẻ của Quản lý Kĩ thuật cấp cao CBRE Việt Nam, Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng Bộ phận kỹ thuật là lực lượng nòng cốt thực hiện và giám sát xuyên suốt theo cả vòng đời tòa nhà, đây là xương sống của dự án nên phải trú trọng quan tâm đến lực lượng này thường xuyên và liên tục. Theo số liệu từ bà Nguyễn Phương Thảo, Cán bộ dự án Công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam EEB2023, có tới 80% các cán bộ kĩ thuật tòa nhà chưa nắm bắt đầy đủ các tiềm năng về hiệu quả năng lượng đem lại. Vì vậy, cần phải có những chương trình đào tạo thực tiễn giúp nâng cao năng lực cho nhân viên, cán bộ kĩ thuật, giúp họ được cập nhật và phát triển liên tục, tránh tình trạng bị thiếu hụt thông tin, kiến thức, khiến các dự án vận hành hiệu quả năng lượng không thành công.
Kết lại, tòa nhà văn phòng xanh là mục tiêu cốt lõi mà các tòa nhà hiện nay cần hướng tới. Để thực hiện được mục tiêu đó, các tòa nhà đã đi vào vận hành cần áp dụng hiệu quả năng lượng triệt để. Những vấn đề tồn đọng đã được chỉ ra ở trên sẽ là bài học tham khảo cần thiết giúp tòa nhà tránh khỏi những vết xe đổ đi trước và đẩy nhanh tốc độ trở thành một tòa nhà văn phòng xanh trong tương lai.  
Theo: Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ