Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:54 GMT+7

Tiết kiệm điện để đưa phát thải ròng về “0” - Bài 3: Giải pháp quyết liệt

24/07/2023

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ tạo tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp đến gần hơn với các mục tiêu tiết kiệm điện

Trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng trung bình của Việt Nam khoảng 7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% trong giai đoạn 2011-2019. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới vẫn tăng trưởng 8-9%/năm. Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam vẫn đang ở mức 1,3-1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Nói cách khác, dư địa về tiết kiệm năng lượng (TKNL) vẫn còn rất lớn, khoảng từ 30-35%. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong vấn đề đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện. 
Điểm nghẽn lớn...
Ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Về nhận thức hầu hết các doanh nghiệp đều nắm bắt được chủ trương, quy định của Nhà nước về TKNL. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp TKNL hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn hạn chế. Bởi giá điện tại Việt Nam so với khu vực và thế giới khá thấp. Đây là một trong những ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp nhưng đây cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư chi phí cho các giải pháp tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, với nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, thì việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng cần nguồn đầu tư lớn và đó cũng là rào cản không nhỏ để các doanh nghiệp có thể thực hành tiết kiệm năng lượng đồng bộ.
Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (Ảnh minh hoạ - Internet)
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, năm 2010, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, dưới luật còn có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định của Thủ tướng chính phủ, thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ và kịp thời để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, thứ nhất là luật thì chỉ áp dụng đối với các khách hàng doanh nghiệp, còn đối với các khách hàng cá nhân thì chưa có chế tài phù hợp, chỉ có thể vận động, tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn các khách hàng thực hành tiết kiệm điện. Thứ hai, phần lớn các quy định trong luật chỉ bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (cơ sở sử dụng nhiều năng lượng), còn với một số đối tượng chỉ mang tính khuyến khích. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn thiếu hoặc chưa thực sự đi vào cuộc sống. 
Những rào cản trên đã khiến không ít doanh nghiệp dè dặt trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng tại chính đơn vị của mình. Do đó, trong thời gian tới để tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đặc biệt là đối với các khách hàng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát, kiện toàn các quy định pháp luật về vấn đề này. 
... cần triển khai quyết liệt để tháo gỡ
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030, Bộ Công Thương đề ra các nhóm giải pháp chính, trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 cần được đẩy mạnh. Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng. 
Hiện nay, các nhà tài trợ cũng nhận thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam cũng như những kết quả khả quan trong việc tiết kiệm năng lượng nên cũng đã tăng cường hỗ trợ các nguồn tài trợ, điển hình như các hợp tác với Đan Mạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chương trình KOICA (hợp tác với Hàn Quốc), chương trình phát thải các bon thấp của Mỹ, chương trình hợp tác năng lượng với Đức (GIZ),...”, Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, bổ sung những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật, cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường các giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh, phát triển bền vững.
​​
Với với trò là đơn vị cung cấp điện, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không ngừng đẩy mạnh các giải pháp để chung tay cùng Bộ Công Thương tăng cường hiệu quả thực hành tiết kiệm điện. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm. Mới đây nhất, EVN đã có văn bản 2466/BC-EVN ngày 15/5/2023 kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Trong đó, đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) để đáp ứng mục tiêu các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ; Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ; Các đơn vị chiếu sáng công cộng (CSCC) áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ,.. 
EVN không ngừng đẩy mạnh các giải pháp để tiết kiệm điện năng (Ảnh minh hoạ - Internet)
EVN cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với các Tổng Công ty Điện lực, Công ty Điện lực xây dựng kế hoạch và thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện trên địa bàn theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Có thể nói, mặc dù các chính sách về đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng còn thiếu và chưa khuyến khích được doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thì doanh nghiệp cũng cần nhận thức được rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Các nhóm giải pháp chính đang được Bộ Công Thương triển khai để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng:
- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư,...
- Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tập trung hỗ trợ các hoạt động về kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, xây dựng và thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công thương.
- Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đơn vị liên quan trong triển khai chương trình, trong đó nâng cao vai trò của người quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng.
- Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch, thực hiện lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. 
- Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng. Thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đầu tư tiết kiệm năng lượng. Tăng cường làm rõ các cơ chế đầu tư, ưu đãi về lãi suất, thuế, đầu tư đất đai. Đề xuất thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tố Quyên