Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:16 GMT+7

Đẩy mạnh chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm giảm áp lực căng thẳng cho hệ thống điện trong giờ cao điểm

04/05/2023

Điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Những năm gần đây, đặc biệt vào thời gian cao điểm mùa khô, ngành điện đẩy mạnh triển khai chương trình này với các khách hàng công nghiệp - cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. PV Nguyên Long phỏng vấn ông  Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về nội dung này.
Ảnh minh họa.
PV: Thưa ông, được biết trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị điện lực đã làm việc với các khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm góp phần giảm quá tải cho hệ thống lưới điện trong những giờ cao điểm. Xin ông cho biết cụ thể lợi ích từ chương trình này?
Ông Trần Viết Nguyên: Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện được Bộ Công Thương triển khai theo Thông tư 23/2017/TT-BCT, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện, đặc biệt là các khách hàng thuộc danh sách “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm.
Việc triển khai chương trình DR thường được ngành điện và khách hàng phối hợp thực hiện trong những thời điểm cần thiết, như: cao điểm tới hạn của hệ thống; sự cố và vận hành kinh tế. 
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình DR tự nguyện phi thương mại, có nghĩa là khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như: (i) được thông báo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp có sự cố mất điện; (ii) được vào danh sách khách hàng ưu tiên đảm bảo điện; (iii) được tri ân hàng năm; (iv) được miễn phí nhân công bảo trì, bảo dưỡng MBA và các chăm sóc khách hàng khác (tùy theo điều kiện thực tế của Công ty Điện lực). 
Bộ Công Thương đang tích cực nghiên cứu cơ chế DR thương mại (tức là có khuyến khích tài chính để khách hàng tham gia DR tích cực hơn). 
 
PV: Cụ thể, theo nhiều doanh nghiệp thì cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Quan điểm từ phía đơn vị cung cấp điện là EVN thì sao?
Ông Trần Viết Nguyên: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chính sách này, và để chương trình DR được thực hiện lâu dài và bền vững thì Nhà nước cần ban hành cơ chế tài chính, thứ nhất là để khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các chương trình DR; Thứ 2 là để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước; Thứ 3 là thu hút các tổ chức trung gian và khách hàng tham gia vào thị trường DR trong tương lai, để có thể mua bán công suất; Cái này có thể được xem như một dạng nhà máy điện ảo đã được nhiều nước trên thế giới triển khai rất tốt và Việt Nam cũng đã bước đầu triển khai xây dựng chương trình này. Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian rất sớm tới đây Bộ Công Thương cũng sẽ có các chỉ đạo, hướng dẫn để EVN cũng như các khách hàng tham gia tích cực hơn vào chương trình DR…
PV: Vì sao chương trình DR lại hướng tới đối tượng khách hàng sản xuất kinh doanh có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh điện/năm trở lên? Các khách hàng có mức tiêu thụ điện ít hơn thì có nên khuyến khích thực hiện chương trình DR hay không, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Như chúng ta biết thì bản chất của chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) đó là từ phía khách hàng - tức là khi các đơn vị điện lực đưa ra các yêu cầu từ phía hệ thống điện thì khách hàng sẽ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm & hiệu quả cũng như là các giải pháp về bố trí lại sản xuất, kinh doanh, hoặc là bố trí lại thì thời điểm, thời gian sử dụng điện của mình; đơn giản nhất là hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm mà chúng ta sẽ dịch chuyển sang các giờ thấp điểm. Điều này sẽ giúp cho hệ thống điện của chúng ta tiết kiệm được rất nhiều về nguồn lực cũng như là về vận hành hiệu quả, kinh tế.
Hiện nay trong Thông tư 23 thì Bộ Công Thương cũng đang chủ yếu hướng dẫn triển khai đối với các khách hàng sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trong chương trình tổng thể về chương trình quốc gia của Chính phủ thì cũng đã có hướng là khuyến khích các khách hàng sinh hoạt cũng tham gia sâu vào trong các chương trình này. Và qua theo dõi của chúng tôi thì hiện nay trong các khách hàng sử dụng điện là hộ gia đình thì tiềm năng DR cũng rất là lớn, và sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào các chương trình DR này cũng sẽ đóng góp rất lớn vào việc giúp cho thống điện Việt Nam ổn định hơn, vận hành được thông suốt hơn, an toàn, tin cậy hơn, và nó giúp được cho tất cả chúng ta cũng đều có điện năng để sử dụng vào lúc chúng ta cần. Đặc biệt nữa là nó đóng góp rất lớn hơn vào trong việc sử dụng điện một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. 
PV: Trong những năm gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy mạnh chương trình DR tại khu vực miền Bắc, vì sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Do đặc điểm của hệ thống điện của chúng ta, đặc biệt là trong thời gian gần đây thì một số nguồn điện ở khu vực phía Bắc của các nhà đầu tư bên ngoài EVN đưa vào triển khai đang còn chậm trễ so với kế hoạch, dẫn tới nguồn điện ở phía Bắc phần nào cũng chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã phải truyền tải điện từ miền Nam ra miền Trung, và từ miền Trung ra miền Bắc để phục vụ cho phần công suất còn thiếu ở khu vực phía Bắc, đây là lý do thứ nhất. 
Lý do thứ hai là trong thời gian nhiều năm trở lại đây phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Bắc có mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là trong trong sản xuất công nghiệp, có những địa bàn tăng tới 20% - trên 20% so với năm trước, thì điều đó cũng dẫn tới nhu cầu sử dụng điện ở khu vực phía Bắc cũng tăng lên so với những năm trước.. Vì vậy, DR cũng chính là một trong những giải pháp mà để Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị điện lực trực thuộc đẩy mạnh truyền thông và cũng tuyên truyền để khách hàng tham gia tích cực vào trong các thời điểm mà hệ thống khó khăn trong việc cung ứng điện. Trên thực tế khó khăn này cũng chỉ diễn ra trong những quãng thời gian ngắn nhất định mà không phải nhiều. Chỉ trong những khoảng thời gian thực sự cần thiết của hệ thống thì chúng tôi mới thông báo để khách hàng phối hợp, tham gia. 
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo: Trang tin điện tử ngành điện