Trước bối cảnh nguồn cung năng lượng có nhiều thách thức thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng cần thiết và hết sức có ý nghĩa, đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Do đó trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc đã tăng cường đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng, trong đó tập trung làm việc với các khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm góp phần giảm quá tải cho hệ thống lưới điện trong những giờ cao điểm.
Điều chỉnh phụ tải điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện được EVN thực hiện hàng năm. (Ảnh minh họa)
Đây là những nỗ lực của ngành điện trong việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia 1.000 MW vào năm 2025, và 2.000 MW vào năm 2030.
Trên thực tế, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động khác nhau, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình DR ngày càng tăng lên. Số liệu từ EVN cho thấy, từ năm 2021 đến nay, các tổng công ty điện lực/công ty điện lực thành viên đã ký kết được hơn 10.000 thỏa thuận với các khách hàng để tham gia các sự kiện DR.
Điển hình như tại tại tỉnh Thanh Hoá, Công ty cổ phần Xi măng Long Sơn đã phối hợp rất tốt với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. Từ năm 2019-2021, công ty đã thực hiện 5 sự kiện DR với tổng công suất tiết giảm 105 MW, đặc biệt trong năm 2022, công ty đã thực hiện tiết giảm công suất tiết 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng khi thiếu nguồn điện theo yêu cầu của ngành điện. Việc này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí tiền điện không hề nhỏ cũng như giảm một phần áp lực cho ngành điện.
"Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, chúng tôi đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất, từ đó phối hợp với ngành điện xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp", Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Long Sơn cho hay.
Công ty Xi măng Long Sơn là doanh nghiệp có sự phối hợp hiệu quả với Công ty Điện lực Thanh Hóa khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải. (Ảnh: Báo Thanh Hoá)
Cũng là một trong những điển hình tham gia điều chỉnh phụ tải, Công ty TNHH May Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) đã nhiệt tình tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện do Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) triển khai. Việc tham gia chương trình không chỉ giúp công ty giảm được khoảng 20-30% sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng mà còn được EVNHANOI hỗ trợ tối đa trong việc phối hợp xử lý các sự cố điện, tư vấn các giải pháp chống tổn thất, kiểm tra, vệ sinh trạm biến áp, bảo dưỡng hệ thống điện,...
Rõ ràng khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, doanh nghiệp đã được hưởng lợi ích kép về kinh tế và nhận được sự hỗ trợ từ phía ngành điện. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích mà chương trình điều chỉnh phụ tải mang lại. Theo ghi nhận của ngành điện, trong quá trình thực hiện điều chỉnh phụ tải, các đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn khi khách hàng không tính toán được lợi ích kinh tế, các ưu đãi cho khách hàng chưa đủ hấp dẫn, một số khách hàng không chấp nhận tư vấn kiểm toán vì không muốn lộ bí mật công nghệ, thông tin doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc điều chỉnh phụ tải hiện nay vẫn được thực hiện dựa trên cơ chế tự nguyện nên khi tiến hành thực hiện, một số khách hàng nêu lý do cần phải hoàn thành đơn hàng, không thể dừng sản xuất nên không chấp nhận tham gia.
Do vậy, trong thời gian tới, để thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành cơ chế tài chính thiết thực với các doanh nghiệp khi tham gia chương trình này. Đồng thời, cần có cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích bao gồm cả cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện phù hợp với các giải pháp về tài chính. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho các chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Việt Nam.
“Chương trình DR phi thương mại hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng. Phía EVN cũng cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tới các khách hàng tham gia DR. Tuy nhiên, do đây là chương trình tự nguyện, chưa có cơ chế tài chính cho khách hàng, do đó, rất khó khăn để triển khai lâu dài. Cần sớm có cơ chế DR thương mại, cơ chế cho các tổ chức trung gian tham gia sâu rộng vào thị trường DR và dịch vụ phụ trợ”, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho hay.
Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng việc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện hoàn toàn được doanh nghiệp chủ động trong việc điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện của mình, thực hiện tiết giảm đối với các phụ tải nhỏ lẻ nên không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của đơn vị. Do đó, các doanh nghiệp có phụ tải điện lớn nên tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện để thu về lợi ích kép cho doanh nghiệp và xã hội.
Điều kiện tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải:
- Những khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh trở lên, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa và được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút một lần.
- Doanh nghiệp có khả năng tiết giảm điện trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được thông báo của ngành điện.
- Doanh nghiệp chủ động và tự quyết định quy mô loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm, tính toán lựa chọn dây chuyền sản xuất cho những phụ tải khác để tiết giảm nhu cầu sử dụng điện.
Quyền lợi của khách hàng:
- Giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
- Được hưởng các chính sách về chất lượng và dịch vụ cung cấp điện ưu tiên cao nhất như: ưu tiên cung cấp điện, nhận các thông tin ngừng giảm cung cấp điện theo kế hoạch hoặc khẩn cấp ngay sau khi sự kiện xảy ra, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu, miễn chi phí nhân công trong các dịch vụ do khả năng cung cấp của đơn vị điện lực như bảo dưỡng định kỳ MBA, thí nghiệm thiết bị điện...
Minh Khuê