Thứ tư, 15/01/2025 | 20:36 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng để phát triển doanh nghiệp bền vững

30/08/2022

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào cùng nhiều loại chi phí hoạt động tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm công nghệ, tìm kiếm các giải pháp nhằm tiết kiệm, quản lý năng lượng, nâng cao năng suất lao động.

Nhiệm vụ hàng đầu cho phát triển bền vững
Là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Ngọc chia sẻ, Công ty đang sử dụng 4 kho lạnh có công suất lớn, tiêu hao điện năng nhiều nên mỗi tháng phải chi trả 70-80 triệu đồng tiền điện. Vì thế, Công ty đã đầu tư hơn chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhờ thế tiền điện chi trả hàng tháng chỉ còn từ 10-15 triệu đồng, giúp giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong bối cảnh giá cả leo thang. Lựa chọn đầu tư như Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Ngọc chắc hẳn không phải là cá biệt.
Nhiều doanh nghiệp bắt đầu áp dụng các giải pháp về tối ưu năng lượng. 
Theo các doanh nghiệp, việc quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, mang lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu về phát triển bền vững môi trường, giảm thải carbon. Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, các tập đoàn quốc tế phải tuân thủ nhiều quy định về quản lý năng lượng, phát triển bền vững, nên việc tiết kiệm và quản lý năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư về năng lượng 10-20%.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt những định hướng nêu trên. Chẳng hạn, đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, Công ty đã tìm kiếm các giải pháp tối ưu trong công tác tiết kiệm năng lượng. Từ đầu năm 2022, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, sử dụng giải pháp chuyển đổi thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, áp dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, khí sinh học, năng lượng sinh khối... trong toàn công ty để góp phần quan trọng cho việc đảm bảo, ổn định năng lượng.
Không chỉ đầu tư thêm về công nghệ mà trong quản trị, các doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ số để quản lý và tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Song Nam, Công ty đang triển khai một số phần mềm về giám sát, phân tích năng lượng, cung cấp cho khách hàng giải pháp tích hợp bộ công cụ để phân tích tối ưu năng lượng.
Cần cơ chế khuyến khích
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chú trọng triển khai nhưng thực tế cho thấy, nhận thức chung về quản lý năng lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, một vì chưa có cơ chế kịp thời khuyến khích, thúc đẩy tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào tối ưu tiết kiệm năng lượng; mặt khác do các cơ quan quản lý chưa có sự giảm sát, phân tích đo lường hiệu quả.
Nói về vấn đề này, tại một tọa đàm về quản lý năng lượng mới đây, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương chia sẻ, khuôn khổ pháp lý về tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đã cơ bản đầy đủ, nhưng thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do nhận thức của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ về lợi ích mà tiết kiệm năng lượng mang lại, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn bỏ ra các chi phí để xây dựng mô hình quản lý năng lượng, khiến việc quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Chính vì thế, các doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, để tạo ra quy trình hiệu quả trong quản lý năng lượng không chỉ yêu cầu về công nghệ mà còn phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng, các doanh nghiệp đang bắt đầu áp dụng các giải pháp về tối ưu năng lượng, cũng như hệ thống quản trị về năng lượng, các thiết bị tối ưu tiêu thụ năng lượng, nhưng cần nâng cao hiệu quả của các chính sách, quy trình cũng như tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng.
Vì thế, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cũng đang xây dựng các chương trình, cơ chế thí điểm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế tài chính.
Theo: Tạp chí Hải Quan