Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:30 GMT+7

Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội lớn cho nền kinh tế bền vững

02/08/2022

Nhằm đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng.

Việt Nam có trên 75% là năng lượng tái tạo vào năm 2045
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giai đoạn 2011 - 2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Mặc dù vậy, tác động của biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu phát triển bền vững đang khiến cho bài toán chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tại COP26, Việt Nam đã cùng nhiều quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Việt Nam đang đứng trước quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.
Trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo.
Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam phải thực hiện đồng thời các giải pháp. Trong một tọa đàm về chuyển đổi năng lượng mới đây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay: Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.
Cần giải quyết bài toán về vốn và công nghệ
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về công nghệ và vốn.
Theo tính toán nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn, lưới điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII là gần 14 tỷ USD một năm, trong đó 75% vốn cho nguồn điện, 25% vốn cho lưới điện. Nguồn vốn này chưa tính tới thay đổi công nghệ, nhiên liệu cho chuyển đổi năng lượng. Vì thế, lượng vốn cần huy động để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững và giảm phát thải về 0 vào 2050 sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng từng cho biết, để chuyển đổi năng lượng thành công thì công nghệ và tài chính là rất quan trọng. Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ, như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, mục tiêu dịch chuyển năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể khả thi.
Trên thực tế, GE là một trong những tập đoàn luôn cam kết sát cánh cùng Việt Nam trên con đường phát triển bền vững. Theo ông Narendra Asnani, Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á: Các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí đốt, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon.
"Với sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng" - Ông Narendra Asnani khẳng định.
GE vừa qua cũng đã cung cấp đơn đặt hàng tua bin 9HA cho Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 - nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Là một trong những tua bin khí lớn nhất và đạt hiệu suất cao nhất trên thế giới, tua bin 9HA sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam từ điện than sang điện khí. Tua bin loại 9HA còn có thể đốt hỗn hợp khí tự nhiên trộn hydrogen.
Trước đó, nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Washington, Mỹ, GE và PV Power cũng ký kết biên bản ghi nhớ nhằm phát triển các giải pháp nâng cao hiệu quả Nhà máy điện Nhơn trạch 1, cũng như để cam kết đàm phán cho hợp tác dài hạn về bảo trì Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Trong dự án này, GE cung cấp hai khối thiết bị, bao gồm tua bin khí 9HA.02 tần số 50Hz - công nghệ có hiệu suất cao nhất của GE, tua bin hơi STF-D650, máy phát điện W88… Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong việc chuyển đổi năng lượng, sự tăng trưởng của điện khí sẽ đẩy nhanh tỷ trọng điện tái tạo bằng cách cải thiện độ tin cậy và vận hành ổn định của hệ thống điện.
“Cần hướng tới công nghệ cao hơn để chuyển dịch năng lượng hiệu quả. Theo tôi có những cơ hội riêng của từng quốc gia, nhưng đối với Việt Nam là quốc gia rất phù hợp để được trao các cơ hội như vậy” - Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của GE khẳng định.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Với những chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua cũng như các nỗ lực của Chính phủ trong thời gian sắp tới, mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là điều hoàn toàn có thể.
Nguồn: nangluongvietnam.vn