Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:14 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng là năng lực cạnh tranh

26/05/2022

Quyết định số 167/QĐ-TTg (QĐ 167) của Thủ tướng phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0% - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm.

Chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng thì cần phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh và hấp dẫn.
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, để khuyến khích doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng thì cần phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh và hấp dẫn.
Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của chủ trương này?
Quyết định 167 là bước đi khởi đầu và cũng là cần thiết, nhưng để khuyến khích, động viên doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng thì cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh và hấp dẫn.
Mặc dù theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải đặt ra cho mình bài toán tối ưu lợi nhuận, nên khi giá năng lượng cao doanh nghiệp sẽ tính đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, từ các giải pháp tiết kiệm thông thường đến chuyển đổi công nghệ, năng lượng sạch…
Tuy nhiên để thực hiện được chủ trương này thì những chính sách trực tiếp về chuyển đổi năng lượng phải đồng bộ. Nếu chúng ta thực hiện quyết liệt thì mục tiêu này sẽ khả thi và đạt được.
Theo ông, để có thể tiết kiệm năng lượng từ 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc thì cần phải có những chính sách cụ thể như thế nào?
Thứ nhất, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển đổi công nghệ và tiếp cận với những nguồn năng lượng sạch. Bởi vì đổi mới công nghệ sẽ rất tốn kém, cũng như chuyển đổi nguồn năng lượng vừa đòi hỏi công nghệ cũng như kinh phí. Như vậy, cùng với hỗ trợ công nghệ thì cần hỗ trợ cả về tài chính để doanh nghiệp có đủ nguồn lực triển khai.
Thứ hai, phối hợp chính sách, đặc biệt là chính sách về giá năng lượng và thị trường để tạo ra áp lực cho doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận nên sẽ phải hướng tới chuyển đổi nguồn năng lượng.
Chúng ta phải từng bước đưa giá năng lượng trong nước tiếp cận với thế giới. Khi đã đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát thì cần đưa giá năng lượng tiếp cận được với thị trường, không nên “kìm” quá lâu.
Thứ ba, phải có chính sách hỗ trợ năng lượng sạch, như điện mặt trời, điện gió… để tạo ra nguồn năng lượng thay thế dồi dào.
Thực tế, thời gian vừa qua các doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời… rất “trắc trở”, và đây có phải là trở ngại cho việc thực thi hay không, thưa ông?
Vừa qua, năng lượng gió, năng lượng mặt trời bùng phát là do chính sách của chúng ta bị thiếu kiểm soát. Các doanh nghiệp “đổ xô” đầu tư năng lượng tái tạo do được mua giá cao. Tuy nhiên, “mặt trái” của điện gió, điện mặt trời là thiếu sự ổn định nguồn.
Mặt khác, phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua có sự “bùng nổ” mất cân đối hạ tầng lưới điện. Nếu thực hiện cơ chế đấu thầu thì sẽ kiểm soát được hài hòa tổng thể truyền tải, nguồn điện sạch sản xuất ra để ổn định lưới.
Tóm lại, thời gian vừa qua chính sách đặt ra cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch còn có những bất hợp lý. Việc này dẫn đến sự quan ngại phát triển năng lượng sạch.
Nhưng đây chỉ là yếu tố nhất thời, nếu có biện pháp khắc phục thì có thể giải quyết được và phát triển năng lượng sạch sẽ ngày càng đi vào ổn định và hiệu quả hơn.
Để đạt được hiệu quả hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất lao động… theo ông chúng ta cần phải có những chính sách cụ thể như thế nào?
Một là, phải có sự kiểm soát về mặt kỹ thuật đối với những tiêu chuẩn công nghệ sản xuất để doanh nghiệp sử dụng những công nghệ tiết kiệm năng lượng và sạch.
Hai là, phải có những chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho sản xuất xanh, sạch để doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ và có nguồn lực chuyển đổi.
Ba là, đồng bộ chính sách giá cả thị trường năng lượng trong nước.
Bốn là, cùng với các chính sách kỹ thuật ở trên thì cần có chính sách về thị trường để khuyến khích người dân, doanh nghiệp và xã hội hướng tới một nền tiêu dùng các sản phẩm xanh và sạch.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương:
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giái đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
Nếu các doanh nghiệp trong "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng với tiết kiệm được hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp