Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:22 GMT+7

Giải pháp tổng thể cho tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp

10/05/2022

Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp cần những giải pháp tổng thể từ công cụ pháp lý đến chính sách, tài chínhTiết kiệm năng lượng trong công nghiệp cần những giải pháp tổng thể từ công cụ pháp lý đến chính sách, tài chính.

“Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE” vừa được Ngân hàng thế giới tài trợ không hoàn lại với tổng kinh phí là 11,3 triệu USD (tương đương khoảng 252 tỷ đồng), bao gồm hai hợp phần: Hợp phần 1: Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro 3 triệu USD và Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. 
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý dự án, thời gian thực hiện từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026. 
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp và những kỳ vọng từ “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”.
Thưa ông báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khả thi tiết kiệm được từ 20-30% nguồn năng lượng từ TKNL trong khối công nghiệp. Từ thực tế nghiên cứu của ngân hàng thế giới thời gian qua, ông nhìn nhận như thế nào về những ngành công nghiệp mà chúng ta có thể TKNL, đặc biệt như các doanh nghiệp trong sản xuất thép và xi măng?
Ông Chu Bá Thi: Thực tế các ngành công nghiệp và cụ thể hai ngành công nghiệp thép và xi măng tiêu tốn rất nhiều năng lượng và cực kỳ tạo áp lực cho việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là điện và than. Những ngành này chúng tôi đã có những dự án và đã thí điểm đầu tư rồi thì thấy mức tiết kiệm năng lượng đối với đầu tư - ví dụ như là thu hồi nhiệt thải có thể tiết kiệm 20-30%. Tuy nhiên là tiết kiệm điện đối với các ngành khác thì tiềm năng ít hơn, vì hiện nay công nghệ về tiêu thụ điện thì cũng tương đối khá rồi. Tuy nhiên là tiết kiệm nhiệt và tiết kiệm hơi là những tiềm năng rất lớn. 
 
Việt Nam hiện tại có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm tiêu thụ năng lượng khá là lớn. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội tiết kiệm năng lượng này, và nếu chúng ta thành công trong việc cho vay khối doanh nghiệp này thì sẽ tác động như thế nào tới thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng như khả năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam?
 
Ông Chu Bá Thi:
Phải nói rằng là tiềm năng thì rất lớn. Tuy nhiên là các cơ chế về tài chính, các công cụ tài chính của ta chưa đủ cũng như là việc giám sát thực hiện các chế tài chưa đủ mạnh. Thực ra hiện nay việc đầu tư tiết kiệm năng lượng hay không thì gần như là không có cơ chế, tài chính ép các doanh nghiệp phải đầu tư tiết kiệm năng lượng. Tôi cho rằng các doanh nghiệp trọng điểm cần phải nỗ lực hơn nữa, không chỉ là nhiệm vụ về kiểm toán năng lượng mà cần phải từ kiểm toán năng lượng chúng ta phải đi đến đầu tư, phải thực hiện đầu tư. Thế thì những dự án như World Bank tài trợ bao gồm cả cho vay lại, cho vay về tài chính - bao gồm cả bảo lãnh, bao gồm cả nâng cao năng lực cho các bên tham gia - thì những giải pháp mang tính chất tổng thể để giúp cho doanh nghiệp, giúp cho Ngân hàng, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước đều chung tay thực hiện thì chúng ta mới thành công được. Nếu chúng ta cứ để như hiện nay thì rất khó thực hiện các mục tiêu về TKNL cũng như giảm phát thải. Đặc biệt là vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết tại COP-26 là  phát thải bằng 0 vào năm 2050. Như vậy thì các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo cần phải được thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. 
 
Rõ ràng là chúng ta nhìn thấy tiềm năng TKNL là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại bây giờ các doanh nghiệp họ cũng ngại đầu tư vào công nghệ bởi vì giá điện cũng như ít áp lực cho họ. Và như vừa rồi ông cũng có nói về hành lang pháp lý của chúng ta. Ông nhìn nhận như thế nào về những thách thức đối với thị trường tiết kiệm năng lượng Việt Nam, về công tác tiết kiệm năng lượng đặc biệt trong khối công nghiệp? Và thông qua Dự án VSUEE này thì ông kỳ vọng điều gì?
 

Ông Chu Bá Thi: Chính xác. Như tôi đã nói thì thúc đẩy tiết kiệm năng lượng gặp rất khó khăn. Thấy khó nhất là làm rất nhiều năm rồi nhưng mà đầu tư lớn thì hầu như không có. Chúng ta có nhìn thấy những doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ thôi, chứ còn đầu tư lớn hiện nay hầu như không có. Tôi nói ví dụ như ngành xi măng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các nhà máy xi măng có công suất 2500 tấn/ngày là phải đầu tư hệ thống thu hồi chất thải nhưng họ chưa đầu tư. Lý do là về tài chính họ không có, rồi về công nghệ, năng lực họ cũng còn yếu. Thế thì thách thức rất lớn là việc phải có những giải pháp đồng bộ, từ chính sách tài chính đến ưu đãi… Trong luật thì có rất nhiều ưu đãi về thuế, ưu đãi về vấn đề này vấn đề kia v.v. Tuy nhiên, để thực hiện được thì còn rất hạn chế. Nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải có những giải pháp tổng thể.
 
Đối với dự án này thì tôi nghĩ là nó cung cấp thêm một công cụ nữa cho doanh nghiệp cũng như là cho ngân hàng. Doanh nghiệp thì có bảo lãnh thì người ta có thể tiếp cận được các khoản vay mới. Vì hiện nay ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo rất là lớn, nếu có bảo lãnh này thì có thể yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng sẽ giảm đi và sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp được tiếp cận vốn để đầu tư cho TKNL. Ngoài ra thì dự án thì có khoảng 8,5 triệu USD là tiền hỗ trợ kỹ thuật, thì cũng sẽ hỗ trợ Bộ Công thương sẽ rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng cần phải thay đổi để đưa vào các cơ chế để hỗ trợ cho thị trường TKNL cũng như là một thị trường khác là thị trường ESCO - thị trường mà các công ty dịch vụ năng lượng để họ phát triển, để những người, những doanh nghiệp sử dụng năng lượng họ có các công cụ để họ làm, họ có năng lực để họ làm, họ có tài chính để họ làm. 
 
Ngoài ra thì cũng có những dự án khác mà Ngân hàng thế giới cũng hỗ trợ, như là dự án cung cấp các khoản vay ưu đãi chẳng hạn. Thì hiện nay Ngân hàng thế giới đang thực hiện một dự án cho vay, cho vay lại thông qua Ngân hàng Công thương, Vietcombank và BIDV đang thực hiện là ngân hàng tham gia cho vay lại, cho vay vốn ưu đãi hơn cho doanh nghiệp để họ đầu tư tiết kiệm năng lượng, tạo cho họ nhiều ưu đãi hơn…
 
Rõ ràng là tiềm năng TKNL rất lớn và các ngành công nghiệp của Việt Nam thì cũng rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Nên chăng chúng ta nên tập trung vào từng lĩnh vực một để chúng ta làm một cách triệt để, thưa ông?
 

Ông Chu Bá Thi:
Chính xác. Chị nói hoàn toàn đúng. Chúng ta nên tập trung vào những ngành nào mà sử dụng năng lượng nhiều như sắt thép, xi măng. Nếu như trong thống kê năng lượng thì hai ngành đó là hai ngành sử dụng năng lượng nhiều nhất trong các ngành công nghiệp. Chúng ta nên tập trung vào để giải quyết những ngành đó trước, còn những ngành sử dụng ít hơn thì chúng ta dần dần từng bước sẽ có những ưu tiên thực hiện.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo: Trang tin điện tử ngành điện