Thứ tư, 15/01/2025 | 12:57 GMT+7
Thị trường các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây với tiềm năng rất lốn. Con số các công ty ESCO đang tăng theo mỗi năm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 100 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhưng vẫn được đánh giá là hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tháng 12/2016, Bộ Công Thương cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,65% trên tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11 triệu tấn dầu quy đổi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, các kết quả đạt được tuy rất đáng ghi nhận, nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng TKNL của Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về TKNL lớn, từ 25-40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.
Bên cạnh đó, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã qui định các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động TKNL và ESCO (Điều 27, 28). Theo đó, các dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị TKNL; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ TKNL được hỗ trợ theo qui định hiện hành về tín dụng đầu tư và ưu đãi đầu tư. Có ưu đãi về thuế, vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm TKNL. Có miễn giảm thuế nhập khẩu theo qui định đối với phương tiện, thiết bị, phụ tùng, linh kiện TKNL mà trong nước chưa sản xuất được.
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường ESCO, mà nếu tận dụng tốt có thể đem lại lợi ích lớn cho cả nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khi giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt được hiệu quả cao nhất. Bà Lê Thị Thúy Hồng – Đại diện khu vực phía Bắc Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa SolarBK cho biết, với kinh nghiệm hơn 10 năm lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời cho hàng trăm đơn vị lớn nhỏ từ khách sạn 5 sao đến hộ gia đình, có thể khẳng định, tiềm năng TKNL tại Việt Nam là rất lớn và đó là thị trường tốt cho các ESCO hoạt động. Qua phản hồi từ khách hàng, hầu hết đều rất hài lòng về khả năng tiết kiệm chi phí mà các ESCO mang lại. Bà Hồng cho biết thêm, trước kia, Công ty mang đến cho doanh nghiệp các giải pháp, với các thiết bị nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu nên giá khá cao. Nay mức giá đã thay đổi, rẻ đi rất nhiều do Công ty đã có nhà máy sản xuất tại Vũng Tàu công suất khá lớn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chưa kể, để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, Công ty đã tiến hành khảo sát để nắm được, với thời tiết của từng vùng thì đối với phía Nam, tiềm năng tiết kiệm điện nhờ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời khoảng 85-90%, miền Trung khoảng 70-75%, còn miền Bắc khoảng 60-65%. Cụ thể nhất là Tòa nhà xanh liên hợp quốc tại 304 Kim Mã, đã tiết kiệm được 10% tiền điện mỗi năm nhờ lắp đặt pin mặt trời.
Với việc ánh nắng và nền nhiệt độ tại miền Bắc thấp hơn miền Trung và miền Nam thì làm thế nào để vẫn sử dụng được các thiết bị TKNL một cách tối ưu? Về vấn đề này, bà Hồng chia sẻ, hiện nay đã có nhiều loại thiết bị hỗ trợ để tối ưu nhiệt lượng trong những ngày thời tiết xấu, không có nắng. Ngày nắng nóng, hệ thống hoạt động bình thường. Khách hàng sẽ mất khoảng 5-7% điện cho các hệ thống bơm tăng áp, bơm hồi, bơm đối lưu để nước nóng được sử dụng liên tục. Ngày mưa lạnh, hoặc mùa đông ngày không có ánh nắng mặt trời thì phải dùng bơm nhiệt. Để tiết kiệm hơn, khách hàng nên kết hợp tấm hấp thu năng lượng mặt trời với bơm nhiệt sẽ chủ động được nước nóng trong cả những ngày không có nắng.
Để đảm bảo một ESCO hoạt động thực sự có hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên cần các yếu tố: Sự đảm bảo năng lực về tư vấn của các chuyên gia tư vấn; Thiết lập được mạng lưới hợp tác về tài chính và phải bảo đảm về tài chính; Và cuối cùng là thiết lập mạng lưới cung cấp công nghệ và giải pháp TKNL. Bởi trên thực tế, các ESCO chưa thành công đa phần là vì chỉ đưa ra giải pháp, nhưng không cam kết đến cùng với khách hàng về hiệu quả thu được, do bị phụ thuộc vào nhà cung cấp thiết bị. Còn ESCO nào giải quyết được bài toán này thì khả năng thành công là rất cao, mặc dù chi phí đầu tư đắt hơn, khách hàng cũng chấp nhận.
Trong thời gian tới, khi các cơ chế, chính sách được hoàn thiện, thị trường ESCO sẽ khởi sắc, đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và con số tiết kiệm chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều so với 5,65% năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn 2011-2015. Vai trò của Chính phủ chính là xác định và tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy sự phát triển của thị trường ESCO trong tương lai.
Các loại hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC)
Hợp đồng đảm bảo mức TKNL: ESCO đảm bảo rằng số tiền sinh ra từ TKNL sẽ đủ để chi trả cho các chi phí của dự án. Trong trường hợp phần tiết kiệm thu được dưới mức đảm bảo, ESCO sẽ đền bù cho khách hàng số lượng thâm hụt đó.
Hợp đồng chia sẻ mức TKNL: ESCO cung cấp nguồn lực để thực hiện một dự án giảm chi phí năng lượng. Các bên chia sẻ mức tiết kiệm sinh ra từ dự án trong một khoảng thời gian cố định. ESCO hưởng phần lớn chi phí tiết kiệm được (80-90%) trong suốt thời hạn hợp đồng.
Hợp đồng mua bán điện (Chauffage): ESCO cung cấp các dịch vụ năng lượng và thanh toán hóa đơn năng lượng trong thời gian hợp đồng. Khách hàng trả trước cho ESCO % hóa đơn năng lượng (ví dụ 85%).
Theo Tạp chí Công Thương