Thứ sáu, 27/12/2024 | 00:46 GMT+7
ESCO đang là một mô hình còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vậy ESCO là gì và hoạt động như thế nào? Những rào cản cho phát triển ESCO tại Việt Nam hiện nay? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Mô hình đầu tư hai bên cùng có lợi
Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) là loại hình công ty mà mô hình kinh doanh là sử dụng các hợp đồng hiệu quả năng lượng làm cơ sở để trả công cho mình khi thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL). ESCO thực hiện các dự án TKNL vì lợi ích của khách hàng bằng cách hướng đến giải quyết các rào cản tự nhiên của thị trường. Và ESCO cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC).
Còn khách hàng của ESCO thì không phải bỏ vốn đầu tư nhưng được cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm kiểm toán năng lượng, lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng năng lượng. Qua đó, không những khách hàng giảm được chi phí năng lượng mà còn kiểm soát tình hình sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, được ESCO chia sẻ lợi nhuận từ các khoản chi phí năng lượng tiết kiệm được, được hưởng toàn bộ hệ thống thiết bị năng lượng mà ESCO đã đầu tư sau thời hạn thỏa thuận hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu giữa hai bên và được đảm bảo hoàn toàn về lượng điện năng và chi phí tiết kiệm được trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Ông Lưu Hoàng Đạt - Phó phòng kỹ thuật Công ty CP Dệt 10-10 cho biết, Công ty đang mong muốn tiết kiệm nhiều hơn nữa chi phí năng lượng. Do đó, rất muốn tìm kiếm cơ hội kết hợp với các công ty ESCO, trước hết là kiểm toán năng lượng toàn diện để nắm được tổng thể việc tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp. Sau đó sẽ cân nhắc đầu tư.
Rõ ràng, đây là một mô hình đang được các doanh nghiệp rất ủng hộ và sẽ có tiềm năng lớn để phát triển. Tuy nhiên, hiện hoạt động của các ESCO đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Còn nhiều rào cản
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 100 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ TKNL. Nhưng trên thực tế số lượng đơn vị đăng ký hoạt động ESCO và có hoạt động theo mô hình ESCO còn rất hạn chế. Số lượng các đơn vị thành công trong lĩnh vực này không nhiều. Nguyên nhân là do cơ chế.
Đầu tiên phải kể đến là thiếu cơ chế, hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai các dự án TKNL. Đây là một trong những nút thắt lớn nhất mà hầu hết các ESCO đều vướng khi triển khai các dự án. Thực tế tại Việt Nam các ESCO mới tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ chưa phải là doanh nghiệp lớn. Khi cung cấp các giải pháp, hầu hết doanh nghiệp ít khi bỏ tiền túi ra để đầu tư vì tâm lý ăn chắc, chỉ khi ESCO chứng minh được hiệu quả tết kiệm thì doanh nghiệp mới bỏ tiền. Điều đó tạo áp lực lớn cho ESCO là phải đi vay để lấy vốn đầu tư. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một ví dụ. Ông Trần Viết Nguyên – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, trong khi Chính phủ chưa thống nhất về cơ chế tài chính cho hoạt động của các ESCO, thì các ngân hàng cũng rất e ngại trong việc cho ESCO vay vốn đầu tư các dự án TKNL. Ông Nguyên kiến nghị, rất mong trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thực sự thiết thực và phải giúp cho các ESCO ít nhất là thời điểm đầu để họ đứng vững mở rộng thị trường, lúc đó thị trường ESCO mới phát triển được.
Thứ đến là cơ chế chia sẻ lợi nhuận. Do chưa có cơ chế rõ ràng trong vấn đề này, nên hiện nay một số nhà đầu tư ESCO đang bị vướng không lấy được phần lợi nhuận sau tiết kiệm. Cụ thể như một nhà đầu tư ESCO vào hệ thống chiếu sáng công cộng. Sau khi hệ thống hoạt động, khách hàng trả tiền điện theo hóa đơn do EVN cung cấp. Phần chênh lệch nhờ tiết kiệm do không có cơ chế qui định nên không thể lấy ra để trả cho nhà đầu tư, khiến cho các doanh nghiệp ESCO gặp khó khăn, không hồi được vốn đầu tư ban đầu. Ông Võ Hữu Thiện - Giám đốc Trung tâm TKNL Tiền Giang cho biết, cả điện sạch hòa lưới cũng chưa có cơ chế giá mua là bao nhiêu, nên rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư điện tái tạo (điện mặt trời, phong điện) lại chưa làm được do vướng cơ chế. Do đó, bà Lê Thị Thúy Hồng – Đại diện khu vực phía Bắc, Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa SolarBK, đề xuất, Chính phủ nên đưa ra cơ chế chính sách nào đó để người tiêu dùng có thể bán lại điện cho nhà nước. Ví dụ, tôi lắp điện mặt trời ở nhà, nhưng có thể đi vắng một vài năm. Khi đó, tôi đăng ký đưa điện lên lưới, coi như Nhà nước trả tiền mua điện cho dân. Như vậy, sẽ khuyến khích người dân quan tâm tới các hình thức TKNL bởi họ sẽ có lợi khi thực hiện.
Và một rào cản khác, được các ESCO đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng là công tác truyền thông. Là đơn vị chủ chốt triển khai các hoạt động TKNL, trong đó có mô hình ESCO, Tập đoàn EVN cho rằng, việc tuyên truyền đến người dân về các giải pháp TKNL còn rất hạn chế. Mặc dù EVN sẵn sàng tư vấn miễn phí, miễn sao ngày càng nhiều các doanh nghiệp quan tâm áp dụng các giải pháp TKNL,nhưng nếu chỉ riêng EVN làm công tác tuyên truyền thì không đủ. Mà các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ESCO cần có thêm tiếng nói, hành động trong công tác tuyên truyền đi theo các dự án để giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về những lợi ích của các giải pháp mà ESCO mang lại.
Đồng ý kiến này, ông Huỳnh Văn Ngộ - Phó Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng cũng cho rằng, cách quảng bá tuyên truyền về TKNL chưa đủ mạnh và chưa hiệu quả. Doanh nghiệp, người dân chưa thấy được lợi ích của các giải pháp TKNL, những ảnh hưởng của việc sử dụng năng lượng không tiết kiệm và hiệu quả không được thể hiện rõ nét, thì doanh nghiệp và người dân chưa có ý thức tham gia. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để doanh nghiệp hiểu ngoài việc TKNL, còn bảo vệ môi trường, còn có các mục tiêu chung khác cần đạt được và từ đó doanh nghiệp tự nguyện tham gia dù không có trong danh sách doanh nghiệp trọng điểm (tức là chưa bắt buộc phải kiểm toán năng lượng).
Đội ngũ chuyên gia tư vấn cũng là một rào cản trong sự phát triển các ESCO. Cho đến nay, số lượng chuyên gia được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao không nhiều. Chưa kể, một số doanh nghiệp chỉ có nhu cầu kiểm toán năng lượng để đối phó nên lựa chọn các tư vấn có giá rẻ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế. Để phát triển ESCO theo hướng chuyên nghiệp, đây sẽ là một vấn đề cần được giải quyết trong những năm tới.
Ông Nguyễn Dương Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa – SolarBK: Lựa chọn đơn vị thứ 3 để hỗ trợ các ESCO Muốn làm ESCO thì phải quyết tâm, nhưng cũng phải có năng lực. Nhà tư vấn phải sát cánh cùng khách hàng, cùng chấm thầu, cùng ký cam kết tiết kiệm với khách hàng. Bên cạnh đó, phải liên tục cập nhật các giải pháp mới của nước ngoài để tư vấn cho khách hàng. Một mô hình tôi thấy cũng rất hay là lựa chọn đơn vị thứ 3 để hỗ trợ các ESCO yên tâm đầu tư như là ký qua EVN, qua ngân hàng. Có những đơn vị này bảo lãnh, chúng tôi sẽ yên tâm hơn, theo đó, Công ty ký với EVN để EVN tìm khách hàng, Công ty đến tư vấn, và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận. Một doanh nghiệp bước chân vào ESCO nếu thấy đảm bảo lợi nhuận thì bước vào, còn nếu tiếp tục đợi cơ chế thì không làm được. Do đó, chúng tôi chấp nhận cuộc chơi, tự đầu tư, không chờ nhà nước. Khi mình tự bỏ tiền đầu tư, thì bước khảo sát ban đầu sẽ rất kỹ, nhưng rủi ro là khi khảo sát đang là mùa đơn hàng, tức là không đúng năng lực của nhà sản xuất. Do vậy, ngay từ đầu anh phải cởi mở, đặt vấn đề rõ ràng với nhau, nếu khảo sát số liệu thực thì mới có kết quả tiết kiệm thực sự. Khi ta cam kết đảm bảo hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp họ nhìn thấy lợi nhuận thì kiểu gì người ta cũng làm và không lo thiếu thị trường. Qua quá trình đi làm tư vấn, tôi cho rằng, quan trọng là giải pháp phải luôn luôn cải tiến, doanh nghiệp nào có nghiên cứu phát triển thì mới bền vững được. Do vậy, hàng năm SolarBK đã đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu phát triển, nhằm luôn đưa đến những giải pháp tiên tiến, hiệu quả nhất cho khách hàng. Cũng chính điều đó làm nên thương hiệu SolarBK. |
Ông Tiết Vĩnh Phúc – Trưởng Phòng Nghiên cứu & Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL – Enerteam: Cần đưa mô hình ESCO vào là một loại hình kinh doanh
ESCO là mô hình mới hoạt động nên gặp khá nhiều khó khăn. Theo tôi, trước hết cần đưa mô hình ESCO vào là một loại hình kinh doanh. Do hiện tại, ESCO chưa được xếp vào loại hình kinh doanh nào nên sẽ không được quản lý, bảo vệ và nhiều rủi ro. Chính vì không có pháp lý nên khi vay vốn các ngân hàng không coi ESCO là đơn vị kinh doanh về năng lượng để được vay vốn ưu đãi mà chỉ coi là một công ty về thiết bị, nên chỉ được vay vốn như bình thường. Hiện nay, các ESCO đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt và không lành mạnh trên thị trường. Một số đơn vị nhận làm giá rẻ, nhưng chất lượng kém, hồ sơ tư vấn toàn cắt dán, giải pháp nghèo nàn. Trong khi các đơn vị tư vấn có trình độ chuyên môn cao chi phí đắt hơn, vào khoảng 7.000-8.000 USD/doanh nghiệp. Khách hàng ham rẻ chọn tư vấn rẻ, sau đó thực hiện giải pháp không hiệu quả lại cho rằng giải pháp TKNL được áp dụng không giúp ích gì. Đó là một vòng luẩn quẩn giữa giá rẻ và không hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi không cần can thiệp, cứ để thị trường tự điều tiết, nếu anh muốn chất lượng anh buộc phải chấp nhận chi phí cao, nếu anh chọn mức chi phí thấp, khi không đạt hiệu quả như mong muốn thì còn tốn kém hơn và các doanh nghiệp sẽ tự nhận biết. |
Theo Tạp chí Công Thương