Thứ tư, 15/01/2025 | 17:35 GMT+7

Đức xác nhận chấm dứt chính sách Feed-in Tariffs

14/07/2016

Quốc hội Đức vừa thông qua bản kế hoạch chấm dứt chính sách Feed-in Tariffs, ủng hộ việc tổ chức các cuộc đấu thầu cạnh tranh và hạn chế việc triển khai các dự án điện gió.

Quốc hội Đức vừa phê duyệt kế hoạch cải cách luật pháp về năng lượng tái tạo của đất nước này bằng cách chấm dứt chính sách Feed-in Tariffs (chính sách được đưa ra nhằm thúc đẩy việc đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo bằng cách chào mời những hợp đồng mua bán điện năng dài hạn với mức giá ưu đãi đến những nhà sản xuất điện năng tái tạo), ủng hộ việc mở các cuộc đấu thầu cạnh tranh và hạn chế việc triển khai các dự án điện gió.

Đầu tháng sáu vừa qua, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức và một số nhà lãnh đạo khác của đất nước đã đi đến thỏa thuận về việc giới hạn sự tăng trưởng của ngành điện gió gần bờ ở mức 2,8 GW công suất mỗi năm. Sau năm 2020, mức công suất giới hạn này được kỳ vọng sẽ tăng lên đến 2,9 GW mỗi năm. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2030, công suất giới hạn điện gió ngoài khơi sẽ được điều chỉnh theo từng năm để đến năm 2030, Đức sẽ có 15 GW công suất điện gió. 

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Đức lo ngại rằng những cải cách trên có thể gây khó khăn cho đất nước trong việc thực hiện cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon và cắt giảm nhiều việc làm trong ngành năng lượng tái tạo. 

"Những cải cách được đưa ra sẽ giúp Đức bảo tồn được nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch và điều tiết tiến độ chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tái tạo", ông Hermann Falk, người đứng đầu Hiệp hội Năng lượng tái tạo Đức cho biết.

Năm ngoái, Đức đã đóng góp 44% công suất điện gió lắp đặt tại châu Âu, trong đó có 3,7 GW công suất điện gió gần bờ và 2,3 GW công suất điện gió ngoài khơi.

Ông Giles Dickson, Giám đốc điều hành WindEurope cho biết việc chấm dứt chính sách Feed-in Tariffs để chuyển sang việc mời thầu là xu hướng hiện nay tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu. 

Ông Diskson cũng cho biết thêm công suất giới hạn mà Đức đưa ra "kém tham vọng hơn" so với các nước thành viên khác, như Anh cam kết triển khai 1 GW công suất mỗi năm đến năm 2030 hay Hà Lan sẽ mời thầu 1,4 GW công suất năm nay và sau đó là 2,1 GW mỗi năm đến năm 2030. 

Ngọc Diệp (Theo businessgreen.com)