Thứ ba, 05/11/2024 | 17:41 GMT+7

Năng lượng mặt trời - cứu tinh của Ấn Độ

25/03/2016

Ấn Độ từ lâu đã đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn thứ chín thế giới và nằm trong khu vực nhiệt đới, quanh năm nắng gió. Tận dụng ưu thế của mình, quốc gia này từ lâu đã đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Năm 2015, Ấn Độ đã thông qua kế hoạch phát triển 50 thành phố điện mặt trời trong khắp cả nước. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đến năm 2022, nước này sẽ sản xuất khoảng 100 gigawatt điện từ năng lượng mặt trời - gấp 20 lần so với hiện nay.

Thủ tướng Ấn Độ N. Modi tại sân bay quốc tế Kochi - sân bay đầu tiên trên thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời. Ảnh: Huffingtonpost

Thời gian qua, giá năng lượng mặt trời đã giảm mạnh so với than, cho thấy những chính sách đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng tái tạo này là sáng suốt đối với quốc gia 300 triệu người sống trong tình trạng thiếu điện này. Hiện mức giá năng lượng mặt trời đang cao hơn khoảng 15% so với than đá.

Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp tục và cho đến năm 2020, nguồn năng lượng mặt trời thậm chí sẽ rẻ hơn 10% so với than đá.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây - trong một cuộc đấu thầu dự án về năng lượng của Chính phủ Ấn Độ, nhà thầu chiến thắng đã đưa ra mức giá 4,34 rupee (khoảng 0,06USD) cho mỗi kWh - tức là xấp xỉ mức giá của các dự án nhiệt điện sử dụng than tại nước này.

“Năng lượng mặt trời giờ đây đang rất cạnh tranh. Đó là nguồn cung ứng rất lớn cho các quốc gia như Ấn Độ” - ông Vinay Rustagi - một chuyên gia về năng lượng tái tạo của Ấn Độ cho biết.

Bên cạnh vấn đề về giá thành, lợi ích về mặt môi trường của năng lượng mặt trời đối với quốc gia Nam Á này là thấy rõ.

Than đá hiện đang chiếm tới 60% sản lượng năng lượng của Ấn Độ chính là một trong những nguyên nhân khiến 13 thành phố của nước này lọt top 20 đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Đây là điều dễ hiểu bởi than đá Ấn Độ vốn có hàm lượng tro cao, giải phóng độc tố, kim loại vào không khí trong quá trình đốt cháy.

Theo Khoa học phát triển