Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:50 GMT+7

Muôn mặt phát triển bền vững

15/02/2016

Đã có những mô hình chứng tỏ chúng ta có thể sử dụng các giải pháp xanh rẻ tiền để hưởng thụ những mức tiêu thụ bền vững hơn so với các nền kinh tế công nghiệp.

Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, của cải vật chất toàn cầu đã được nhân lên gấp bội, nhưng cũng gây ra những hậu quả về môi trường nghiêm trọng, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cướp mất sự đa dạng sinh học.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tổng các khoản trợ cấp cho năng lượng hóa thạch toàn cầu hàng năm ước tính khoảng 550 tỷ USD. Trong khi đó, theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để giải quyết môi trường xung quanh do năng lượng hóa thạch gây ra, bao gồm luôn chăm lo sức khỏe toàn cầu do ô nhiễm môi trường, các chính phủ phải trợ cấp lên đến 5.300 tỷ USD trong năm 2015, tương đương với 6,5% GDP toàn thế giới. 

Nhiều người có khuynh hướng nghĩ rằng, tăng trưởng xanh tốn kém và phụ thuộc nhiều vào những đột phá công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, đã có những mô hình chứng tỏ chúng ta có thể sử dụng các giải pháp xanh rẻ tiền để hưởng thụ những mức tiêu thụ bền vững hơn so với các nền kinh tế công nghiệp. Chẳng hạn như mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của Takao Furuno - người nông dân 64 tuổi tiên phong trong phương pháp dùng vịt thay thuốc bảo vệ thực vật, hiện sống trên đảo Kyushu ở miền Tây Nhật Bản. Ông thả vịt, để cho chúng tự kiếm ăn trên đồng ruộng bằng cách tìm sâu bọ bám trên lúa và cỏ dại. Khi bơi lội, vịt có thể tạo oxy cho nước và làm tơi đất. Phân của chúng cũng rất tốt cho quá trình sinh trưởng của lúa. Với phương pháp đơn giản mà hiệu quả này, ông Furuno còn tiết kiệm được tiền mua thuốc trừ sâu và diệt cỏ dại. Thu nhập của ông cao hơn 30% so với thu nhập trung bình của những nông dân sử dụng phân hóa học. Ngoài ra, số tiền kiếm được từ việc bán vịt cũng không nhỏ. Cuốn sách “Quyền lực của vịt” của ông đã thu hút sự quan tâm của hơn 75.000 nông dân ở nhiều nước trên thế giới. Nông trại của ông Furuno thường xuyên nhộn nhịp với các đoàn sinh viên trong và ngoài nước đến thực tập.

Tăng trưởng xanh không chỉ là vấn đề của năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng và giảm khí thải, mà còn là sự chuyển đổi toàn diện và sâu sắc về mô hình phát triển. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo kế hoạch phát hành “trái phiếu xanh” trên thị trường liên ngân hàng nhằm cho phép các tổ chức tài chính tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án về năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. PBoC nhấn mạnh nguồn tài chính này sẽ chỉ được sử dụng để hỗ trợ các dự án xanh. 

Có một tiềm năng khổng lồ cho tăng trưởng xanh và cơ hội cho sự phát triển bền vững hơn ở khu vực kém phát triển của châu Á. Nhưng trong khi phương pháp canh tác này được áp dụng ở một số nước Đông Bắc Á, Philippines và Bangladesh, thì ở những nước công nghiệp hóa nông nghiệp, phương pháp này không thực sự hiệu quả. Vấn đề là phải phá vỡ được vòng lẩn quẩn giữa “con gà và quả trứng”. Nhiều người tranh cãi rằng chính phủ không nên mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng xanh vì chưa có đủ bằng chứng về những lợi ích của nó. Châu Á đang đối mặt với những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi để tăng trưởng xanh, nhưng thử thách đó cũng là những cơ hội bất tận.

Theo Sài Gòn Giải Phóng