Thứ tư, 15/01/2025 | 17:58 GMT+7

Siêu dự án năng lượng dồn dập vào Bình Thuận

08/05/2014

Chỉ trong tháng 3/2014, tỉnh Bình Thuận chứng kiến 3 sự kiện lớn trong lĩnh vực đầu tư là khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; tổ máy 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chính thức hòa lưới điện quốc gia và Lễ ký hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Chỉ trong tháng 3/2014, tỉnh Bình Thuận chứng kiến 3 sự kiện lớn trong lĩnh vực đầu tư là khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; tổ máy 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chính thức hòa lưới điện quốc gia và Lễ ký hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Loạt dự án này là một phần trong Dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong).

\ff196c4ad_dandingiotihuyntuy_99232.jpg

Siêu dự án năng lượng chuyển động

Lướt qua những con số về suất đầu tư và công suất, không ít người sẽ kinh ngạc về tầm vóc và đoán định được vai trò quan trọng của những “siêu dự án” trên. Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, sản lượng điện khoảng 7,2 tỷ kWh/năm. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Dự kiến, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, sau 46 tháng xây dựng; tổ máy số 2 cũng vận hành sau đó 1 năm, sau 52 tháng xây dựng.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, gồm 2 tổ máy, có tổng công suất 1.244 MW, được khởi công xây dựng từ năm 2010. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 23.480 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), sản lượng điện bình quân 7,2 tỷ kWh/năm. Dự kiến giữa năm nay, tổ máy còn lại sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành.

Còn tại Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, hợp đồng tổng thầu EPC đã được các đối tác đặt bút ký. Nhà máy cũng có công suất 1.200 MW và suất đầu tư hơn 1,75 tỷ USD, sản lượng điện bình quân hơn 7,2 tỷ kWh/năm. Điều đặc biệt là, Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, do các nhà đầu tư là Công ty Lưới điện Phương Nam và Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc chiếm 95% vốn và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm nhiệm 5% vốn. Theo kế hoạch được cam kết trong hợp đồng BOT, thì tháng 4/2019, tổ máy 1 sẽ đi vào hoạt động và tới tháng 10/2019 đưa vào vận hành tổ máy 2.

Ông Hồ Sơn Hùng, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 cũng đang được các bên liên quan xúc tiến đầu tư xây dựng, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho Nhà máy khoảng 2,7 tỷ USD và sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 theo hình thức BOT. Với công suất 1.980 MW, sản lượng hơn 10 tỷ kWh/năm, dự án này lớn nhất trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo ông Hùng, Dự án được Chính phủ giao Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 thực hiện, với các cổ đông góp vốn gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam 29%; Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương 22%; Tổ hợp One Energy 49% (trong đó: The CLP Group: 50%, Mitsubishi Corporation: 50%).

Trung tâm năng lượng trong tương lai không xa

Chỉ tính riêng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, công trình trọng điểm của quốc gia, với 4 nhà máy nêu trên, đã hút vốn đầu tư khổng lồ lên đến 6,1 tỷ USD và tổng công suất lên tới 5.668 MW. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ góp vai trò quan trọng chống thiếu điện khu vực miền Nam, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện quốc gia vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.

Tỉnh Bình Thuận được đánh giá có nhiều tiềm năng để khai thác các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác như mặt trời, sóng biển… Theo quy hoạch đầu tư phát triển năng lượng, đến năm 2020, Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước, với tổng công suất các nhà máy điện lên đến 11.300 MW. Có thể nói, Bình Thuận đã sớm mang dáng dấp một trung tâm năng lượng tầm cỡ quốc gia từ lúc bắt đầu đi vào khai thác tiềm năng thủy điện.

Hiện nay, địa bàn tỉnh đã có những nhà máy thủy điện hoàn thành, đưa vào vận hành có công suất tương đối lớn như Hàm Thuận (300 MW), Đa Mi (175 MW), Đại Ninh (300 MW), Bắc Bình (33 MW)... Các nhà máy này đóng góp sản lượng điện đáng kể cho cả nước. Bình Thuận vẫn còn một số dự án thủy điện trong giai đoạn đầu tư như La Ngâu (46 MW), Thác Ba (18 MW), Sông Lũy (16 MW), Đan Sách 2-3 (5,5 MW).

Ngoài nhiệt điện, thủy điện, với lợi thế 192 km bờ biển, nguồn tài nguyên gió dồi dào, điều kiện khí hậu, đất đai khá thuận lợi, Bình Thuận còn được biết đến là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư các dự án điện gió. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 15 dự án điện gió, với tổng công suất đăng ký đầu tư khoảng 1.182 MW. Trong đó, giai đoạn I Dự án Phong điện 1 có công suất 30 MW (dự án điện gió đầu tiên của cả nước có đấu lưới điện quốc gia được đưa vào hoạt động), Dự án Điện gió đảo Phú Qúy (6 MW) đã hoàn thành và đưa vào vận hành; còn giai đoạn I, Dự án Phú Lạc (24 MW) đang triển khai đầu tư.

Lĩnh vực điện gió đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, xin chủ trương khảo sát nghiên cứu. Theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận, dự kiến đến năm 2030, công suất lắp đặt của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.500 MW.

Để đẩy nhanh thực hiện các dự án năng lượng theo lộ trình đã đề ra, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng các công trình, đặc biệt là vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Trong tương lai không xa, khi  tất cả các dự án thuộc 3 lĩnh vực “nhiệt điện - thủy điện - phong điện” hoàn thành và vận hành, thì Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Theo Báo Đầu tư