Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi nhanh với ông John Nielsen- Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam- bên lề Hội thảo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Xin Đại sứ điểm qua một số dự án hợp tác chuyển giao công nghệ của Đan Mạch với Việt Nam?
Các doanh nghiệp Đan Mạch đang quan tâm đến phát triển quan hệ đối tác kinh tế thương mại với Việt Nam, trong đó tập trung vào các dự án hỗ trợ công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, kết quả tốt đẹp của những dự án như US/VIE 93-058, Cải thiện chất lượng và xuất khẩu thủy sản (SEAQIP 1, SEAQIP 2), Hỗ trợ đổi mới và phát triển doanh nghiệp thủy sản (SIRED), cùng các hợp phần khác của Chương trình hỗ trợ phát triển ngành thủy sản (FSPS I và II)... đã đem lại bước ngoặt cơ bản cho cả hệ thống quản lý ngành và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh thủy sản Việt Nam.
Báo cáo mới nhất về
khảo sát 8.000 doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản
lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường Đại học Copenhagen cho
thấy, chỉ một số lượng nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào cải tiến công nghệ
và đổi mới.
|
Gần đây, trong tháng 9,
Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ với
Công ty kiến trúc Kaersgaaed Andersen (KAAI) và Trường Đại học Bắc Đan Mạch
(UCN) về hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Tôi
đánh giá cao về chất lượng cũng như lợi ích mà Việt Nam sẽ nhận được thông qua
dự án này.
Đan Mạch vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển giao công nghệ, thưa Đại sứ?
Trong 7 năm qua, chúng tôi đã triển khai chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Cụ thể, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam cải tiến công nghệ để tiếp cận sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu.
Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bằng cách thức như vậy trong những năm sắp tới. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, bởi vì trong hợp tác đó, chắc chắn hoạt động chuyển giao công nghệ cũng được diễn ra hết sức mạnh mẽ, qua đó, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các công ty Đan Mạch.
Đan Mạch là một trong những quốc gia phát triển mạnh khoa học công nghệ. Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc xây dựng chiến lược phát triển về khoa học công nghệ dành cho doanh nghiệp?
Cách đây 3- 4 thập kỷ, Đan Mạch bị khủng hoảng về năng lượng và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng dầu. Tuy nhiên, lúc đó giá dầu tăng rất nhanh, do vậy, chúng tôi không có khả năng tài chính để chi trả.
Từ đó, Đan Mạch đã bắt đầu chú trọng đến việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học vào sản xuất. Chính phủ đã đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào lĩnh vực tăng trưởng xanh để có thể giảm thiểu việc sử dụng các nguồn năng lượng, từ đó tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đan Mạch đã thông qua những đạo luật hỗ trợ phát triển công nghiệp theo phương thức mới kèm với đó là những biện pháp như giảm chi phí hoặc thuế để thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Báo Công Thương