Thứ năm, 16/01/2025 | 00:37 GMT+7

Cơ hội mới từ dự án năng lượng tái tạo

11/09/2013

Một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo (NLTT) là thiếu vốn.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo (NLTT) là thiếu vốn. Để tháo gỡ, Dự án phát triển NLTT (REDP) vay vốn ngân hàng thế giới (WB) đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư các dự án NLTT vay lại thông qua các ngân hàng thương mại.

85dca0129_wp1.jpg

Các dự án điện gió cũng có thể tham gia chương trình REDP. 

Nhiều cơ hội mới

Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng (GDoE) cho biết,  hợp phần hỗ trợ đầu tư các dự án NLTT theo hình thức cho vay lại từ nguồn vốn của WB thông qua 6 ngân hàng thương mại với những dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW. Bộ Công Thương là cơ quan điều phối thực hiện với mục đích nhằm tăng cung cấp điện vào lưới điện quốc gia từ các nguồn NLTT trên cơ sở bền vững về tài chính, môi trường, và xã hội. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đã có 9 dự án (tổng công suất lắp đặt 127,2 MW, tổng vốn đầu tư 132,6 triệu USD) đã được phê duyệt vay vốn từ dự án REDP, tổng lượng vốn được vay là 78 triệu USD, trong đó đã giải ngân trên 54 triệu USD. Hiện có 5 dự án (tổng công suất 68 MW) đã hoàn thành và phát điện, còn 4 dự án tổng công suất 58 MW đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2014.

Theo ông Thắng, nhìn chung các dự án đều đảm bảo tiến độ và hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các dự án còn chậm, mới đạt 39%. Nguyên nhân là do điều kiện cho vay lại của các ngân hàng chưa hợp lý, biên độ tính lãi suất cho vay quá rộng, mức lãi suất cho vay  cao chưa hấp dẫn chủ đầu tư…

Để việc sử dụng vốn vay cho dự án REDP có hiệu quả, ngày 9/8/2013, Chính phủ đã ra Văn bản 6597 cho phép điều chỉnh cơ chế tài chính Hợp phần tín dụng của dự án REDP vay vốn WB. Theo đó, các chủ đầu tư sẽ được vay vốn trong thời hạn 12-15 năm, được hỗ trợ 1,5% lãi suất. Gia hạn thực hiện dự án thêm 2 năm (đến 30/6/2016). Hạn mức áp dụng thông lệ thương mại cho mua sắm hàng hóa tăng từ 1 triệu USD lên 3 triệu USD, áp dụng cho xây lắp tăng từ 7 triệu USD lên 15 triệu USD. Đồng thời, các ngân hàng thương mại được xem xét mở tài khoản ủy quyền tại ngân hàng để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư. Đặc biệt, chủ đầu tư được bồi hoàn 50% chi phí tư vấn để chuẩn bị các báo cáo an toàn của dự án.

Đặc biệt, các dự án NLTT tham gia REDF sẽ được tham gia chương trình tài chính các bon (mua bán khí phát thải CO2) tới giai đoạn 2020 trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện với giá cố định 4 EUR/tCO2 (giá thị trường hiện nay là 0,5 EUR/tCO2). Đơn vị tài chính các bon của WB sẽ mua lại 100% CERs từ các chủ đầu tư thông qua Ban quản lý dự án với chi phí giao dịch thấp hơn so với phát triển dự án CDM đơn lẻ.

Cũng theo ông Thắng, ngoài các dự án thủy điện nhỏ, các dự án NLTT khác như điện gió, biomas, rác thải đều có thể tham gia chương trình REDP.

Băn khoăn chuyện giá, vốn

Một trong những băn khoăn của các nhà đầu tư là suất đầu tư NLTT khá cao trong khi giá bán điện chưa đủ bù chi phí. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên cho các nguồn điện được sản xuất từ NLTT, song đến nay, chỉ có điện gió được hỗ trợ giá mua với mức 7,8 cent/kWh (6,8 cent là EVN trả, 1 cent Nhà nước trợ giá). Vì chưa có cơ chế khuyến khích nên các nhà đầu tư vẫn còn e dè với việc đầu tư cho điện từ NLTT. Có nhà đầu tư băn khoăn vì giá điện tăng quá chậm trong khi các chi phí như lương, xăng dầu, vật tư tăng rất nhanh. Vì vậy, có những dự án điện hiệu quả ở giai đoạn trước nhưng đến giai đoạn này đã trở nên không hiệu quả.

Mặt khác, cơ chế vay vốn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều ngân hàng không đủ điều kiện đánh giá năng lực kỹ thuật công trình nên rất ngại cho các nhà đầu tư thủy điện vay tiền. Về vấn đề này, ông Thắng khẳng định, GDoE có thể cử chuyên gia tham gia thẩm định số liệu thủy văn, dòng chảy, độ an toàn của công trình …

Ban Quản lý dự án cũng sẽ có cơ chế giám sát lãi suất nhằm đảm bảo lợi ích giữa ngâ hàng và nhà đầu tư. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là Ngân hàng và chủ đầu tư tự thỏa thuận.

Dự án REDP vay vốn WB bao gồm ba hợp phần: đầu tư xây dựng các dự án NLTT, xây dựng khung chính sách và phát triển các dự án NLTT tương lai.

Tổng nguồn vốn của dự án là 318,05 triệu USD. 

Trong đó, tổng vốn ODA cho dự án là 204,275 triệu USD, vốn trong nước là 113,78 triệu USD.

Ước tính có khoảng 15- 30 tiểu dự án đầu tư vào các nguồn NLTT sẽ được vay vốn từ dự án REDP.

 
Theo ICON.com.vn