Thứ hai, 25/11/2024 | 10:58 GMT+7

Hiệu quả sử dụng điện ở Việt Nam còn thấp

25/07/2011

Tỷ lệ tổn thất điện của Việt Nam vẫn ở mức hai chữ số, thuộc loại cao trên thế giới.

Mục tiêu tổng quát trong thập kỷ này là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này đòi hỏi điện phải đi trước một bước. Tuy tăng trưởng khá, nhưng điện vẫn là một trong những ngành cần được đặc biệt quan tâm hiện nay.

Trước hết, sản lượng điện đã tăng trưởng với tốc độ khá cao.

0d2e0b649_bieu_do_1.jpg

 Nguồn số liệu: TCTK; riêng 2011 do tác giả ước tính từ sản lượng 6 tháng 48 tỷ Kwh, tăng 10,4% so với cùng kỳ

Năm 2010 so với 1995, sản lượng điện phát ra cao trên 6,2 lần, bình quân 1 năm tăng xấp xỉ 13%- một tốc độ tăng thuộc loại khá cao so với tốc độ tăng dân số (1,21 lần, 1,26%/năm), so với tốc độ tăng GDP (trên 2,8 lần, 7,16%/năm),… Nhờ vậy, sản lượng điện phát ra bình quân đầu người đã liên tục tăng lên qua các năm với tốc độ khá.

8b9602869_bieu_do_2.jpg
 Nguồn số liệu: TCTK; riêng 2011 do tác giả ước tính với dân số tăng 1%.

Năm 2010 so với năm 1995, sản lượng điện bình quân  đầu người đã cao gấp 5,7 lần, bình quân 1 năm tăng xấp xỉ 11,6%- đó là một tốc độ tăng thuộc loại khá cao.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng tương đối nhanh và ở mức khá cao.

Tuy nhiên, điện vẫn là một trong những ngành cần  được đặc biệt quan tâm hiện nay, bởi hiện có  5 vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, mặc dù tốc độ tăng của tổng sản lượng điện và của sản lượng điện bình quân đầu người thuộc loại khá cao, nhưng đó là tốc độ tăng tính từ điểm xuất phát còn rất thấp. Vì vậy mức sản lượng điện bình quân đầu người còn thấp.

Thứ hai, tốc độ tăng sản lượng điện thấp hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (của công nghiệp là 7,6 lần, hay 14,4%/năm, còn sản lượng điện là 6,2 lần, hay 13%/năm). Nhu cầu sử dụng điện cho tiêu dùng cũng rất cao do tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng, do số phương tiện sử dụng điện tăng.

Chính nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh hơn sản xuất điện, nên dù tốc độ tăng sản lượng điện sản xuất ra thuộc loại cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đó là chưa kể do tính chất của sản phẩm điện (không thể tồn kho dự trữ được), nên nhu cầu sử dụng và sản xuất có sự lệch pha (cao điểm/thấp điểm) nên phát sinh tình trạng mất điện đột xuất hoặc cắt điện đột ngột, cắt điện luân phiên thường diễn ra.

Thứ ba, thị trường điện cạnh tranh tuy đã được đặt ra và bước đầu được khởi động, nhưng so với các ngành, lĩnh vực khác, thì tiến độ vẫn chậm; thị trường phát điện cạnh tranh đã hình thành và có triển vọng phát triển, song việc hoàn thiện trong các khâu, nhất là khâu truyền tải, phân phối điện, thì cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ hơn và phải có một thời gian nhất định.

Thứ tư, nguồn điện của Việt Nam có từ thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời,… Thủy điện đã được phát triển mạnh, nhưng việc kết hợp với việc bảo vệ môi trường; chia sẻ, điều hòa lợi ích và khó khăn, thách thức với nông nghiệp khi hạn hán hoặc mưa lũ không dễ dàng. Nhiệt điện phát triển tương đối nhanh, nhưng nguồn than, khí đã hạn hẹp. Điện gió, điện mặt trời cần được nghiên cứu kỹ về vốn đầu tư, giá bán.

Thứ năm, việc sử dụng điện có nhiều điểm đáng bàn. Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng điện- GDP/Kwh, tức là 1 Kwh điện tạo ra bao nhiêu đồng GDP (tính theo gía so sánh) của Việt Nam có xu hướng giảm.

904f3c241_bieu_do_3.jpg
 Nguồn số liệu: TCTK; 2011: tác giả ước tính trên cơ sở GDP tăng 6%.

Như vậy, nếu năm 1995, 1 Kwh điện còn tạo ra được 13,3 nghìn đồng GDP theo giá so sánh, thì năm 2000 chỉ còn 10,25 nghìn đồng (giảm 23%); năm 2005 chỉ còn 7,54 nghìn đồng (giảm 43,3% so với 1995, giảm 26,4% so với 2000); năm 2010 chỉ còn 6,02 nghìn đồng (giảm 54,7% so với 1995, giảm 41,3% so với 2000, giảm 20,2% so với 2000). Nói cách khác, hiệu quả sử dụng điện còn thấp và giảm.

Về sản xuất thiết bị kỹ  thuật- công nghệ tiêu thụ nhiều điện, nhiều năng lượng vẫn còn là phổ biến. Do giá điện còn thấp so với một số nước, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng nhiều điện đã tận dụng cơ hội này để đầu tư sản xuất những sản phẩm tiêu thụ nhiều điện để xuất khẩu (nhất là sản xuất thép).

Về sử dụng điện, tình trạng lãng phí điện còn diễn ra khá phổ biến từ  công sở, doanh nghiệp, cửa hàng, điện công cộng và dân cư. Ý thức tiết kiệm điện chưa trở thành thói quen của không ít người sử dụng điện.

Về tổn thất điện, tỷ  lệ của Việt Nam vẫn ở mức hai chữ  số, thuộc loại cao trên thế giới. Nguyên nhân hao hụt có nhiều. Có nguyên nhân do hệ thống truyền tải trải rộng, trải dài theo địa hình của đất nước. Có nguyên nhân do việc bố trí khu dân cư còn có những điểm chưa thật hợp lý. Có nguyên nhân do tình trạng thất thoát, thậm chí ăn cắp điện còn nghiêm trọng. Chỉ cần giảm tỷ lệ tổn thất điện xuống một chữ số, thì lượng điện có được hàng năm lên đến vài tỷ Kwh.

Theo Chinhphu.vn