Thứ sáu, 04/10/2024 | 14:46 GMT+7

Ngành xi măng chủ động điện sản xuất từ nhiệt thừa, rác thải

01/07/2011

Công nghệ sản xuất điện từ thu hồi nhiệt thừa và đốt rác thải sẽ giảm bớt 30% lượng điện và năng lượng mà các nhà máy xi măng tiêu thụ.

Công nghệ sản xuất điện từ thu hồi nhiệt thừa và đốt rác thải sẽ giảm bớt 30% lượng điện và năng lượng mà các nhà máy xi măng tiêu thụ.

335a6b68d_ximanghoangmai2.jpg


Các nhà máy xi măng mới có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên
bắt buộc phải đầu tư hệ thông thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện



Đó là khẳng định của đại diện tập đoàn FLSmidth- một trong những doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đầy đủ thiết bị cho một dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ đến từ Đan Mạch tại hội thảo “Giải pháp thu hồi nhiệt thừa và nhiên liệu thay thế trong ngành sản xuất xi măng” tổ chức tại Hà Nội mới đây. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đan Mạch.

Với tổng công suất các nhà máy sản xuất xi măng năm 2011 dự kiến là khoảng 72 triệu tấn, tổng tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất xi măng ngày càng gia tăng. Tính trung bình, với mức tiêu thụ 100 kwh điện/tấn xi măng thì với sản lượng 72 triệu tấn xi măng trong năm 2011, tổng mức thiêu thụ điện năng cho sản xuất xi măng ước khoảng 7,2 tỷ KWh điện. Ngoài ra, hiện nay các nhà máy xi măng còn tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu như than, dầu.

xi mang ha tien 1.jpg

Lò hơi tận dụng nhiệt thừa tại nhà máy xi măng Hà Tiên 2

Để giảm bớt gánh nặng cho ngành điện đồng thời giúp các nhà máy xi măng chủ động trong sản xuất,  ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam cho biết, định hướng trong thời gian tới, tất cả các nhà máy xi măng mới có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên bắt buộc phải đầu tư hệ thông thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện.


Tại hội thảo này, lần đầu tiên Tập đoàn FLSmidth giới thiệu với 150 doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Việt Nam hai công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến. Đó là hệ thống sản xuất điện từ thu hồi nhiệt thừa trong sản xuất xi măng và đốt rác thải.

IMG_1917.JPG

"Công nghệ sản xuất điện từ thu hồi nhiệt thừa và đốt rác thải sẽ giảm bớt 30% năng lượng
mà các nhà máy xi măng tiêu thụ"
- Đại diện FLSmidth tại Việt Nam



Ông Gregers Schmidt, Giám đốc phụ trách sản xuất của Flsmidth cho biết, FLSmidth đã ký hợp đồng mua bản quyền sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt thừa có tên gọi là Chu trình Kalina. Đây là một trong những hệ thống hiệu quả nhất trong việc chuyển tại nhiệt năng thành điện năng trên thị trường. Và với hợp đồng bản quyền trên, FLSmidth giành được quyền cung cấp công nghệ này cho ngành công nghiệp xi măng toàn cầu.

Theo ông Gregers Schmidt, trong một nhà máy xi măng luôn có một lượng khí thải với nhiệt năng lớn được tạo ra không có giá trị sử dụng cho việc sản xuất. Có thể thu hồi lượng nhiệt thừa này chuyển hóa thành điện năng. Bên cạnh đó, các nhà máy xi măng cũng có thể tận dụng nguồn năng lượng thay thế từ việc đốt rác thải. Nếu áp dụng, công nghệ này có thể góp phần giảm bớt 30% lượng tiêu thụ điện và năng lượng của các nhà máy xi măng.

Từ năm 2002 với sự trài trợ của NEDO, Vicem đã bắt đầu triển khai việc tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện tại nhà máy xi măng Hà Tiên 2. Qua 7 năm, trạm phát điện từ khí thải đã phát ra 105 triệu KWh. Chỉ tính riêng trong 4 năm, công nghệ trên đã cung cấp được tổng lượng điện gần 72 triệu KWh cho các dây chuyền sản xuất của công ty, tiết kiệm 2,1 triệu lít dầu ADO từ việc sấy nhiên liệu. Hệ thống còn giúp giảm nhiệt độ đầu vào và ra của máy nghiền nguyên liệu và lọc bụi điện, giúp máy hoạt động ổn định và tăng năng suất thêm 10-15 tấn/giờ, hiệu suất lọc bụi cũng được cải thiện.

Với công nghệ của FLSmidth, Giám đốc Rune Hurttia cho biết, lượng điện sản xuất ra được phục vụ cho chính nhu cầu sản xuất của nhà máy nên sẽ góp phần hạ thấp chi phí đầu vào sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm giá sản phẩm; đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu khi góp phần bảo vệ môi trường. Nếu tất cả nhà máy sản xuất xi măng của Việt Nam áp dụng công nghệ này, lượng điện tạo ra có thể đạt 35 MW so với tổng lượng tiêu thụ hiện nay là khoảng 200 MW.

Nếu so sánh giữa số tiền đầu tư trên 1 KWh điện  điện tạo ra, cộng thêm giá trị sử dụng lâu dài thì hiệu quả đầu tư cực lớn. Bên cạnh đó, công nghệ này sẽ góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường khi giảm lượng phát thải khí nhà kính, thu gom và xử lý hiệu quả một lượng lớn rác thải.

Hiện tại, Việt Nam đã có những chính sách thúc đẩy sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng như Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2025, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là những cơ sở thuận lợi, tạo đà để các doanh nghiệp sản xuất xi măng mạnh dạn áp dụng hai công nghệ kể trên. “Với định hướng sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất nói chung và ngành xi măng nói riêng của Việt Nam, tôi tin cơ hội hợp tác, đầu tư giữa FLSmidth tại Việt Nam là rất lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất xanh của ngành xi măng, cũng như công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, ông Rune Hurttia tin tưởng.

Đại diện FLSmidth nhấn mạnh, hỗ trợ tài chính là yếu tố then chốt để triển khai công nghệ này tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc này là thách thức thu gom rác thải đủ vận hành dây chuyền cũng như phân loại chúng để đem lại hiệu quả sản xuất điện cao nhất.

Linh Trần