Thứ tư, 15/01/2025 | 11:32 GMT+7

Hiệu quả từ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch

24/09/2021

Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện được mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam.

An ninh năng lượng là thách thức lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm nhu cầu tiêu thụ điện năng ước tính sẽ tăng khoảng 8% mỗi năm đến năm 2030. Do đó, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức về thiếu hụt năng lượng.
Để đảm bảo an ninh năng lượng phát triển đất nước, thời gian qua, tiết kiệm năng lượng là một nhiệm vụ được Chính phủ quan tâm. Điều này được thể hiện qua hệ thống văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTKHQ) ngày càng hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và ông Thomas Egebo – Quốc Vụ khanh Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch ký biên bản phê duyệt Văn kiện chương trình DEPP (giai đoạn 2017 - 2020)
Nhằm triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Chương trình DEPP).
Chương trình DEPP được chia làm ba hợp phần bao gồm: Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn (do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện); Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện (do Cục Điều tiết điện lực thực hiện); Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp (do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thực hiện).
Chương trình DEPP (giai đoạn 2017 - 2020) đã triển khai thành công. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình DEPP 3 (giai đoạn 2020 - 2025).
Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn
Việc hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình DEEP. Theo đó, Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (Báo cáo EOR19) là một cột mốc quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam theo cách bền vững hơn thông qua việc thực hiện chính sách và kế hoạch tối ưu hóa chi phí. 
Báo cáo EOR19 trình bày các kết quả nghiên cứu các kịch bản phát triển điện và năng lượng, các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng của Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển điện 8, cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Buổi thảo luận của các chuyên gia trong khuôn khổ chương trình hợp tác
“Một trong những kết quả quan trọng nhất của Chương trình là xây dựng Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam. Báo cáo triển vọng năng lượng đã cung cấp thông tin đầu vào cho những chính sách năng lượng của Việt Nam, như Quy hoạch phát triển điện quốc gia 8 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Điều này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong nhiều thập kỷ tiếp theo.” - Ông Nadeem Niwaz Quản lý quốc gia của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết. 
Báo cáo triển vọng năng lượng được xây dựng trên nền tảng dữ liệu vững chắc và áp dụng cách tiếp cận mô hình hóa hiệu quả để mô tả một nhóm các kịch bản dài hạn cho hệ thống năng lượng Việt Nam, đồng thời cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách về các nguồn năng lượng, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, cân bằng hệ thống điện và khí hậu.
Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện
Năng lượng tái tạo (NLTT) được biết đến như một loại năng lượng xanh, thân thiện với môi trường và bền vững. Tuy nhiên, việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện với các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, thuỷ điện… là một nhiệm vụ mới với nhiều thách thức.
Theo ông Trinh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công Thương: “Đan Mạch là đất nước phát triển, có chính sách sử dụng NLTKHQ, chính sách phát triển năng lượng nói chung rất dài hạn, đạt thành tựu lớn. Ví dụ như từ 1995 đến nay tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch giảm đi, trong khi GDP vẫn tăng trưởng đều. Nó thể hiện được hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế Đan Mạch rất tốt.”
Với sự hợp tác hỗ trợ từ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, dự án triển khai đã góp phần nâng cao năng lực dự báo phụ tải và sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo; cải thiện năng lực tính toán/định lượng nhu cầu… qua đó góp phần cho việc vận hành kinh tế các nguồn năng lượng tái tạo, tối thiểu hoá các chi phí trong khâu sản xuất điện và góp phần giảm phát thải carbon của nền kinh tế.
Năng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện. (Nguồn: Internet) 
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Qua những buổi hội thảo cũng như những buổi hướng dẫn của các chuyên gia trong Chương trình DEEP các kỹ sư của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã làm chủ được công tác dự báo các nguồn NLTT, đặc biệt ở đây là điện gió và điện mặt trời. Các kỹ sư cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng và công cụ phần mềm vận hành ổn định cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh bất định của NLTT.”
Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp
Thực thi chính sách pháp luật, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Nghị quyết số 55- NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 11 tháng 2 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. 
Để thực hiện mục tiêu đó, trong giai đoạn vừa qua Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành chính sách thúc đẩy sử dụng NLTKHQ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Cụ thể là xây dựng và ban hành những thông tư về định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng như: ngành thép, hoá chất, giấy, nhựa - chất dẻo, chế biến thuỷ sản và sản xuất rượu bia, nước giải khát. 
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, dự án đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi pháp luật về tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Chương trình DEEP đã có những đề xuất về cách cải tiến tình hình thực hiện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp tỉnh. Trong khuôn khổ hợp tác, Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được xây dựng nhằm giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương, nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2020 - 2025. 
Thông qua chương trình DEPP, nhiều văn bản mới cũng đã được ban hành nhằm hỗ trợ các đơn vị thuận tiện hơn trong lập báo cáo, tổng hợp các dữ liệu về tiết kiệm năng lượng, đồng thời để việc thực thi quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tốt hơn.
Ông Nadeem Niwaz cho biết, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tỉnh và Bộ Công Thương trong việc xây dựng các công cụ, biểu mẫu và các quy trình cho các cơ quan quản lý của địa phương để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp triển khai các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực xây dựng một mô hình cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ định hướng cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp. Việc thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán năng lượng và báo cáo năng lượng hàng năm sẽ nâng cao hiệu quả thực thi luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Chuyên gia Việt Nam và Đan Mạch trao đổi kinh nghiệm về giám sát sử dụng năng lượng trong nhà máy.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào việc hỗ trợ cho Sở Công Thương để thực hiện chức năng quản lý giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thông qua việc sử dụng một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc, có thể chia sẻ giữa cấp trung ương và địa phương.
“Bộ hướng dẫn xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 – 2025 cũng đã được gửi cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước để áp dụng một cách thống nhất và đồng bộ việc triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2025 tại tất cả các địa phương trên toàn quốc.” - Ông Trịnh Quốc Vũ thông tin thêm.
Qua hai giai đoạn triển khai, Chương trình DEPP đã mang đến những hiệu quả đáng khích lệ trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật về năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cải tiến, đổi mới công nghệ.
Trong giai đoạn tới khi triển khai Chương trình DEEP 3, dự án sẽ xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi để thúc đẩy ngành công nghiệp gió ngoài khơi phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các quy định về kết nối lưới điện ở Việt Nam và tập trung vào xây dựng các yếu tố thị trường cần thiết để tích hợp nhiều hơn năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống năng lượng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, dự án sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đồng thời xây dựng cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng để có thể hướng dẫn và giúp các doanh nghiệp trong đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Ngành công nghiệp của Việt Nam là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên cả nước. Tính toán cho thấy, nếu các quy định pháp lý hiện hành được thực thi thì ngành công nghiệp có thể tiết kiệm được ít nhất 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng hiện tại hàng năm, đến năm 2025. Với các phương pháp mới, các công cụ và chính sách khuyến khích dựa trên kinh nghiệm của Đan Mạch, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng có thể đạt được thậm chí ở mức cao hơn.
Hiện nay, 70% lượng khí thải ra môi trường là từ tiêu dùng năng lượng. Do đó, tiết kiệm năng lượng là cách để có được môi trường sống tốt hơn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện được mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam. 
Một số kết quả triển khai Chương trình DEPP (Giai đoạn 2017 - 2020)
Hợp phần 1: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã triển khai tổ chức các Hội thảo về xây dựng Cẩm nang công nghệ sản xuất điện của Việt Nam; các khóa đào tạo cho các chuyên gia phân tích và chuyên gia vận hành mô hình Balmorel (đã có 75 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành các khóa đào tạo này); Thu thập dữ liệu và xây dựng Báo cáo Dự báo giá nhiên liệu, Báo cáo Dự báo nhu cầu năng lượng, trong đó tập trung vào dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng; Thu thập các dữ liệu đầu vào cho mô hình TIMES và mô hình Balmorel, phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019.
Hợp phần 2: Cục Điều tiết điện lực đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Đan Mạch/Châu Âu và Việt Nam về dự báo nhu cầu phụ tải và đảm bảo cung cấp các dịch vụ phụ trợ; Xây dựng Báo cáo khảo sát về cải thiện dự báo phụ tải, Báo cáo khảo sát về các dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện tại Đan Mạch và Việt Nam.
Hợp phần 3: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai và hoàn thành Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành; Thu thập số liệu và tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về cải thiện hệ thống báo cáo năng lượng theo Thông tư số 09/2012/TT-BCT; Thu thập số liệu và đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi của Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng mở rộng các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trọng điểm; Xây dựng các công cụ hỗ trợ các Sở Công Thương trong việc cải thiện công tác triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Trong đó, 02 Sở Công Thương của hai tỉnh Bắc Giang và Đồng Nai được chọn tham gia dự án.
Mai Anh