Thứ sáu, 01/11/2024 | 18:35 GMT+7

Sôi động thị trường Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất

16/09/2021

Cuối năm 2020, trên thị trường điện gia dụng xuất hiện các sản phẩm được dán Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất với mã QR đi kèm. Nhãn nhận biết này đã tạo ra một làn sóng mới trong việc lựa chọn và sử dụng các thiết bị gia dụng hiệu suất cao, cao hơn cả các thiết bị được dán nhãn năng lượng 5 sao vốn có trên thị trường.

Để giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thiết bị gia dụng tiêu thụ điện hiểu đúng về Nhãn năng lượng cao nhất, quy trình xét chọn chứng nhận sản phẩm đạt hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021, Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã chia sẻ thông tin để làm rõ vấn đề này.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất với mã QR do Bộ Công Thương chứng nhận cho một số sản phẩm tiêu thụ điện. Xin ông cho biết chi tiết về ý nghĩa của nhãn này?
Ông Trịnh Quốc Vũ:
Ngược dòng thời gian, năm 2008, khi triển khai lộ trình dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm hiệu suất cao trên thị trường khá khó khăn. Ban đầu, Bộ Công thương chỉ đưa ra lộ trình dán nhãn năng lượng tự nguyện để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi và chuẩn bị. Khi đó, dán Nhãn năng lượng (DNNL) là rất mới mẻ, các doanh nghiệp tham gia không nhiều. Ban đầu chỉ có lác đác các doanh nghiệp tiên phong với các nhóm sản phẩm hạn chế như đèn huỳnh quang T8, đèn compact (CFL), chấn lưu điện từ tổn hao thấp của các doanh nghiệp tiên phong như Rạng Đông, Điện Quang, Vinakip, hay một số sản phẩm quạt của các doanh nghiệp như Quạt ASIA, Quạt DK… Từ những bước tự nguyện đó, cộng thêm công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP1 giai đoạn 2006-2010, VNEEP2 giai đoạn 2011-2015) đã tạo được các làn sóng trên thị trường về việc lựa chọn các sản phẩm có dán Nhãn năng lượng. 
Thời gian đó, trên sóng giờ vàng của VTV1, các clip cổ động của Chương trình VNEEP khi quảng bá công ích liên tục cho việc lựa chọn các sản phẩm hiệu suất cao, được dán Nhãn năng lượng và kết Clip luôn có câu: “càng nhiều sao càng tiết kiệm”. Đến sau đó, tại các buổi họp điều hành, hay tổng kết Chương trình TKNL Quốc gia, khi chào nhau, những người làm tiết kiệm năng lượng vẫn không quên chúc nhau: “càng nhiều sao, càng tiết kiệm”…
Sau 5 năm triển khai dán nhãn theo hình thức tự nguyện như lộ trình đã đề ra, từ 01/07/2013 Chương trình dán nhãn năng lượng (DNNL) chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Chính thời gian dài tự nguyện, bằng các chương trình tuyên truyền không hiệu quả đã giúp tạo ra một thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Tạo ra thói quen cho người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm hiệu suất cao nhất; Và đủ thời gian để giúp cho các doanh nghiệp dần thay đổi công nghệ, chuyển sang sản xuất các thiết bị hiện đại, công nghệ cao, hiệu quả về năng lượng. 
Việc dán Nhãn năng lượng giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Giờ đây, các sản phẩm như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện áp dụng DNNL, người tiêu dùng chỉ cần quan tâm đến nhãn so sánh và nhãn xác nhận của sản phẩm.
Trong đó, nhãn xác nhận là chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất so với các sản phẩm cùng loại. Còn trên nhãn so sánh, căn cứ theo các mức tiết kiệm từ 1 sao đến 5 sao, “nhiều sao hơn - tiết kiệm hơn” để giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm TKNL mà không phải tìm hiểu nhiều.
Nhãn năng lượng so sánh và nhãn xác nhận
Sau 8 năm thực hiện Chương trình DNNL bắt buộc, đến nay đã tạo được sự chuyển đổi mạnh mẽ về hiệu suất năng lượng trên thị trường. Theo thống kê gần 95% sản phẩm, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trong nhóm ngành hàng gia dụng, thương mại, công nghiệp đã được dán nhãn. Chương trình giúp loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt hàng năm ra khỏi thị trường, nâng hiệu suất 06 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, CFL. Trong đó đáng chú ý hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng lên hàng năm, mỗi năm giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh do đây là thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng.
Chương trình DNNL cũng đã tạo được những thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Xu hướng này không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện sử dụng mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề sử dụng năng lượng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo VECEA vinh danh sản phẩm dẫn đầu về hiệu suất năng lượng năm 2020
Việt Nam đã hình thành một thị trường các sản phẩm hiệu suất cao. Các hãng cạnh tranh rất sôi nổi. Người tiêu dùng được hưởng lợi, được sử dụng các sản phẩm hiệu suất cao với chi phí hợp lý, vừa túi tiền. Rất nhiều các sản phẩm hiệu suất cao có tính năng tiên tiến, tiết kiệm điện tương đương với các thiết bị tiết kiệm điện được sử dụng tại Âu, Mỹ…  
Khi thị trường sản phẩm hiệu suất cao vận hành trơn tru, các nhãn hàng dần đưa ra các sản phẩm hiệu suất còn cao hơn cả mức 5 sao theo TCVN để cạnh tranh với nhau, và câu chuyện của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khuyến khích để các sản phẩm càng ngày càng tiết kiệm năng lượng hơn nữa. Tốt cho thị trường. Cũng tốt cho người tiêu dùng. Và cuối cùng tốt tổng thể cho cả Chương trình VNEEP giai đoạn 2019-2030.
Từ năm 2020, không chỉ thúc đẩy thị trường, nâng cao mức hiệu suất năng lượng của sản phẩm, Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất nhằm tôn vinh doanh nghiệp tiên phong có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao trên mức 5 sao. Giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng vượt trội hơn nữa. Những sản phẩm được công nhận sẽ được dán Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất và được ban hành kèm theo mã QR khi lưu thông sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
 
Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất với mã QR đi kèm do Bộ Công Thương chứng nhận
Vậy cụ thể, trên thi trường hiện nay có những sản phẩm nào đã được chứng nhận Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất của Bộ Công Thương?
Ông Trịnh Quốc Vũ:
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch COVID diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Giải thưởng vẫn thu hút đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị tiêu thụ năng lượng tham gia.
Với tổng số 184 sản phẩm tham gia dự Giải thưởng, có 54 sản phẩm đạt giải. Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, từ máy điều hòa không khí, đèn LED chiếu sáng đến máy giặt, tủ lạnh… Đây là những sản phẩm vượt trội không chỉ về mức tiêu thụ năng lượng mà còn được sản xuất phân phối bởi những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các sản phẩm đạt tiêu chí được Bộ Công Thương cấp chứng nhận Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất và được công bố tại https://tietkiemnangluong.com.vn/top-runner
Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất và mã QR được dán trên bề mặt sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm hiệu suất cao. Ứng dụng QRcode dễ dàng tra cứu tại địa chỉ: https://tietkiemnangluong.com.vn/top-runner. Người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm có thể tra cứu thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm như: Công suất, hiệu suất năng lượng, đơn vị thử nghiệm, kèm theo đó là các thông số kỹ thuật và các gợi ý sử dụng sản phẩm hợp lý, tiết kiệm năng lượng. 
Người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm đến công tác quản lý, cấp chứng nhận và mã QR code cho sản phẩm. Công tác này được Bộ Công thương thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Trịnh Quốc Vũ:
Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì giải thưởng. Bộ đã giao cho Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) là đơn vị triển khai tổ chức giải thưởng. 
Ban Tổ chức (BTC) sẽ thực hiện kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp có sản phẩm được đánh giá Hiệu suất cao nhất do Hội đồng giám khảo và hội đồng kỹ thuật đề xuất. BTC sẽ quyết định và lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để trao tặng giải thưởng. Các sản phẩm đạt giải thưởng sẽ được Bộ Công Thương chứng nhận dán Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất và được ban hành kèm theo mã QR khi lưu thông sản phẩm hàng hóa trên thị trường để người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin.
Tra cứu hiệu suất năng lượng bằng ứng dụng QRcode
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng, từng bước nâng mức hiệu suất năng lượng thiết bị, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ để sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người tiêu dùng quan tâm và dễ dàng nhận biết sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. 
Xin cảm ơn ông ! 
Năm 2021 để đạt chứng nhận sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất, trước hết sản phẩm phải đáp ứng quy chế, thể lệ của giải thưởng, có mức hiệu suất vượt trội, trên 5 sao. Thang điểm mà Hội đồng kỹ thuật giải thưởng đưa ra có 4 tiêu chí chính: Chiến lược/kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp nhận thông tin khách hàng, thị trường; Môi trường làm việc của người lao động, trách nhiệm xã hội; và Đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.
Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật giải thưởng là các chuyên gia đầu ngành đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. 
Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng bắt đầu từ 25/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Dự kiến sẽ công bố và trao giải vào cuối năm 2021.
Ban Tổ chức kỳ vọng, Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất được tổ chức thường niên sẽ tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm hiệu suất năng lượng ngày càng cao. Thông qua đó, mức tiêu chuẩn hiệu suất thực tế trên thị trường sẽ được xác lập liên tục theo thời gian thay vì sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất theo định kỳ 5 năm/lần do nhà nước thực hiện trước đây.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID, các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng có thể nộp hồ sơ theo cả 2 hình thức là bản giấy và bản điện tử.  Các doanh nghiệp tham dự giải thưởng sẽ nộp hồ sơ theo mẫu hướng dẫn của đăng tải chi tiết trên trang TTĐT https://tietkiemnangluong.com.vn/. 
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA)
Mai Anh