Thứ năm, 23/01/2025 | 02:21 GMT+7
Ông Phan Đức, 56 tuổi, sống tại huyện Krông Năng, mua hai đèn năng lượng mặt trời công suất 200 Watt với giá hơn 3 triệu đồng để thắp sáng cho trang trại chăn nuôi. "Đèn này sáng hơn 12 tiếng, từ 6h tối đến 6h sáng, kể cả những ngày mưa. Chi phí cho mỗi bóng đèn còn tiết kiệm hơn dùng điện lưới trong hai năm", ông Đức tính.
Một mẫu đèn năng lượng mặt trời được lắp tại trang trại chăn nuôi.
Anh Trần Thảo, 36 tuổi, huyện Ea Kar, đã dùng ba chiếc đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng khoảng sân rộng hơn 200 mét vuông từ hơn một năm qua. "Đến vụ mùa, gia đình phải dùng đèn công suất lớn cả đêm để sản xuất nên tốn tiền điện lắm. Từ khi có đèn năng lượng mặt trời, tiền điện giảm khá nhiều. Nếu chỉ tính việc thắp sáng, gia đình mình tiết kiệm được 30 - 40% tiền điện năm qua", anh Thảo nói.
Không chỉ ở Dak Lak, tại một số địa phương khác, người dân đã bắt đầu sử dụng đèn năng lượng mặt trời thay cho bóng đèn điện. Một số nơi còn trang bị loại đèn này cho đường làng, xóm. Ưu điểm của chúng là tiện, không cần bật/tắt, độ sáng cao. Đặc biệt, chi phí ban đầu thấp hơn hóa đơn tiền điện phải trả trong cùng thời gian sử dụng.
Nắm được nhu cầu, nhiều cửa hàng đồ điện, điện tử ở nông thông đã bán đèn năng lượng mặt trời với các tấm pin đủ kích thước, công suất, loại đèn và mức giá. Chủ một cửa hàng ở TP Buôn Mê Thuột cho biết mỗi ngày chị bán được 20 đến 30 bộ đèn. Một cửa hàng tại quận Tân Phú (TP HCM) mỗi ngày bán được cả trăm bộ. Khách mua chủ yếu từ miền Tây, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Các mẫu bán chạy nhất nằm trong tầm giá 800.000 đồng đến 2 triệu đồng, công suất từ 30 đến 300W, gắn liền tấm pin hoặc rời.
Đèn năng lượng mặt trời cũng có nhiều loại: đèn đường, đèn pha, đèn trụ sân vườn hoặc trụ cổng và đèn dùng trong nhà. Một số nơi còn bán đèn LED trang trí. Sản phẩm có thể đi kèm điều khiển từ xa. Các mẫu ngoài trời có thêm tính năng chống nước chuẩn IPX6, cũng như cảm biến tự động bật/tắt khi có người, hoặc trời tối/sáng.
Việc lắp đặt cũng khá đơn giản. Người mua chỉ cần lắp ráp tấm pin và đèn vào khung, sau đó gắn lên nơi cần chiếu sáng.
Các mẫu đèn năng lượng mặt trời hiện nay gồm ba bộ phận chính: tấm pin mặt trời để hấp thụ ánh sáng và chuyển hóa quang năng thành điện năng, đèn LED và pin Li-ion hoặc bình năng lượng để lưu trữ điện.
Ông Hữu Bình, kỹ thuật viên một công ty kinh doanh đèn năng lượng mặt trời tại TP HCM, cho biết, trong bộ sản phẩm, pin năng lượng mặt trời quan trọng nhất. "Nếu đảm bảo chất lượng, tấm pin mặt trời có thể cung cấp đúng hiệu suất trong suốt vòng đời của nó - có thể trên 20 năm", ông Bình cho biết. "Tuy nhiên, người dùng cần chọn những nơi uy tín để mua hàng, bởi vẫn có những loại pin kém chất lượng được nhập lậu về và bán trôi nổi với giá rẻ hơn nhiều lần nhưng rất nhanh hỏng", ông Bình nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, khoa Điện - Điện tử, Cao đẳng Công nghiệp Huế, đánh giá nguồn lưu trữ điện cũng có vai trò quan trọng không kém. "Tấm pin năng lượng mặt trời có tác dụng thu năng lượng mặt trời để chuyển hóa thành nguồn điện, còn bộ lưu điện là nơi lưu trữ năng lượng và cung cấp cho bóng đèn khi không có ánh sáng mặt trời", ông Phương giải thích. "Đối với đèn năng lượng hiện nay, bộ phận này thường là pin Li-ion, dung lượng khoảng 2.000 - 10.000 mAh".
Ông Phương cho rằng bộ lưu trữ nguồn điện đóng vai trò quyết định về độ sáng, thời gian sáng cũng như độ ổn định của bóng đèn. "Dù bóng đèn có công suất lớn, tấm pin năng lượng mặt trời thu điện tốt, mà nguồn lưu trữ chất lượng kém, đèn cũng hoạt động không đúng công suất, thậm chí chập chờn, khiến bóng đèn và các bộ phận khác nhanh hỏng", ông Phương nhận định.
Dù vậy, ông Phương cho rằng rất khó để người dùng tự phát hiện các vấn đề về chất lượng tấm pin cũng như bộ lưu điện, nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài sản phẩm. "Ngoại trừ các dấu hiệu dễ thấy, như chất lượng khung nhôm, kính, độ hoàn thiện của đèn hay cách bố trí dây dẫn, hầu hết vấn đề đều phải kiểm tra bằng máy móc, nên rất khó biết chất lượng sản phẩm", ông Phương nói.
Hiện tại, hầu hết đèn năng lượng mặt trời bán tại Việt Nam đều được sản xuất tại Trung Quốc. Khác với các mặt hàng như bóng đèn hay đồ điện tử đã có uy tín về thương hiệu, người mua đèn năng lượng mặt trời buộc phải dựa vào uy tín của nhà phân phối. Do đó, "người dùng nên lựa chọn các nhà phân phối đã có tiếng trên thị trường và có chính sách bảo hành càng lâu càng tốt. Ngoài ra, không nên mua các thiết bị rẻ tiền trên mạng hoặc không rõ xuất xứ để tránh các sự cố đáng tiếc", ông Phương nhấn mạnh.
Theo Vnexpress