Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:25 GMT+7

Giảm chi phí vận hành nhờ sử dụng kính tiết kiệm năng lượng

20/08/2021

​Việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng không chỉ bảo vệ người sử dụng, mà còn hiệu quả nhiều mặt cho các công trình xây dựng.

Hiểu rõ ràng, lựa chọn đúng
 
Tại nhiều quốc gia phát triển, việc áp dụng công nghệ để sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng đã được phổ biến từ lâu. Đức là quốc gia đi đầu trong trào lưu này, việc sử dụng kính tại các công trình xây dựng với mục đích sử dụng năng lượng hiệu quả.
 
Cụ thể, kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm có công năng cao, được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phôi kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.
Trung tâm thí nghiệm điện Cần Thơ sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera. 
Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng.
 
Theo đó, kính tiết kiệm năng lượng đang trở thành giải pháp thay thế cho vật liệu kính thông thường. Bởi hiệu quả kinh tế mà nó có thể mang đến cho những công trình hiện đại. Trên thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam hiện nay có 2 dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi, bao gồm Low-E và Solar Control. Tuy nhiên, việc ứng dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất với từng khu vực thì không phải người tiêu dùng nào cũng biết.
 
Theo khảo sát, tại khu vực TP.HCM, không ít chủ công trình lựa chọn kính Low-E cho mục đích tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tính năng của kính Low-E lại phù hợp với khu vực có khí hậu lạnh, bởi đặc điểm kính Low-E là ngăn cản sự thất thoát nhiệt từ môi trường bên trong ra môi trường bên ngoài.
 
Ngoài ra, với độ truyền sáng cao từ 50 - 70% sẽ mang nhiều ánh sáng và năng lượng từ mặt trời hơn vào trong phòng, giúp cho căn phòng luôn ấm áp vào mùa đông. Nếu sử dụng kính Low-E ở khu vực khí hậu nhiệt đới sẽ tạo ra cảm giác chói mắt, khó chịu vì đặc tính độ truyền sáng cao.
 
Trong khi đó, kính Solar Control với đặc tính phản xạ và hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời, ngăn không cho nhiệt từ mặt trời truyền vào trong phòng. Đặc biệt, dòng kính Solar Control có độ truyền sáng thấp, ở khoảng 35 - 50%, không gây ra cảm giác chói nắng, phù hợp với những vùng có số giờ nắng cao như Việt Nam.
 
Do đó, kính Solar Control sử dụng phù hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới như các tỉnh khu vực phía Nam. Chưa kể, dòng kính này có thể sử dụng được kết cấu đơn (kính Low-E phải dùng kết cấu kính hộp), nên khả năng ứng dụng đa dạng hơn, đồng thời giảm được chi phí cho hệ thống khung nhôm.
 
Kiến tạo giải pháp xanh
 
Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng người tiêu dùng Việt Nam chưa tường tận trong việc lựa chọn chủng loại kính tiết kiệm năng lượng như trên là do hầu hết kính tiết kiệm năng lượng được nhập khẩu từ nước ngoài.
 
Những nước này có khí hậu ôn đới và hàn đới, thường sản xuất kính Low-E để giải bài toán tiết kiệm năng lượng vào mùa Đông. Trong khi đó, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, nên việc sử dụng loại kính này cần được người tiêu dùng tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng sao cho phù hợp, tránh tác dụng ngược.
 
Nhìn nhận được vấn đề này, Công ty kính nổi Viglacera đã đưa dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ phủ mềm (được chuyển giao từ Tập đoàn Von Ardenne GmbH - đến từ Đức), công suất 2,3 triệu m2/năm vào hoạt động với 2 dòng sản phẩm chính là Low-E và Solar Control.
 
Chia sẻ thêm về việc phát triển dòng sản phẩm này, một vị lãnh đạo Công ty kính nổi Viglacera cho biết, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%.
 
Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%. Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%...
 
Trong khi đó, kính Solar Control được gia công bề mặt với các lớp phủ siêu mỏng, có thành phần từ kim loại hoặc oxit kim loại. Nhờ đó, kính có khả năng phản xạ lại phần lớn bức xạ mặt trời, ngăn không cho nhiệt từ mặt trời truyền vào trong phòng – tác nhân làm gia tăng nhiệt độ bên trong tòa nhà.
 
Ngoài ra, kính Solar Control còn có khả năng ngăn cản hầu hết các tia cực tím có hại cho sức khỏe con người. Giúp giảm chi phí điện cho hệ thống làm mát không khí trong phòng đến 57%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Phù hợp với những vùng khí hậu nóng và nhiều nắng, như các tỉnh khu vực phía Nam Việt Nam.
 
Còn đối với kính Low-E là dòng sản phẩm kính cách nhiệt cao cấp. Trong đó, kính Low E ôn đới giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 52%, giảm công suất hệ thống điều hòa lên đến 53%. Còn kính Low E nhiệt đới giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 48%, giảm công suất hệ thống điều hòa đến 69%.
 
“Chúng tôi không chỉ mong muốn tạo ra những sản phẩm có tính chất bảo vệ sức khỏe người sử dụng, mà còn hướng đến yếu tố xanh cho các công trình bằng cách giảm năng lượng tiêu thụ của công trình”, đại diện Công ty Viglacera chia sẻ.
Theo: Báo Đầu tư