Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:11 GMT+7

Lào mong trở thành “cục pin của Đông Nam Á”

13/07/2010

hính phủ Lào hiện đã có kế hoạch xây dựng 55 đập thủy điện trên những con sông cắt ngang Thái Lan và Việt Nam. "Nếu có thể phát triển tất cả các nguồn năng lượng này, Lào có thể trở thành “cục pin của Đông Nam Á” - Bộ trưởng Công thương Lào Nam Viyaketh khẳng định. Ông còn cho biết “Lào có thể bán năng lượng cho các nước hàng xóm và trở nên giàu mạnh”.

Xóa đi vết sẹo chiến tranh và bệnh tật do nghèo đói, Lào ước mơ trở thành một quốc gia siêu cường về năng lượng trong khu vực. Chính phủ Lào hiện đã có kế hoạch xây dựng 55 đập thủy điện trên những con sông cắt ngang Thái Lan và Việt Nam. "Nếu có thể phát triển tất cả các nguồn năng lượng này, Lào có thể trở thành “cục pin của Đông Nam Á” - Bộ trưởng Công thương Lào Nam Viyaketh khẳng định. Ông còn cho biết “Lào có thể bán năng lượng cho các nước hàng xóm và trở nên giàu mạnh”.

lao-river-rapids.jpg

Có lẽ không có kế hoạch thủy điện nào lại thể hiện rõ tham vọng của "đất nước Triệu Voi" hơn công trình đồ sộ Nam Theun 2 (NT2). Công trình này chính thức hoạt động từ 17/4, dự kiến mang lại 2 tỷ USD doanh thu cho Chính phủ Lào trong vòng 25 năm bằng cách bán 95% điện cho Thái Lan.

Với tổng công suất 1.070 MW và tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, NT2 là nhà máy thủy điện lớn nhất hiện nay ở Lào. Toàn bộ số vốn đầu tư cho công trình này được cung ứng bởi các nhà đầu tư quốc tế bao gồm cả Điện lực Pháp. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dự kiến sẽ tham dự lễ khánh thành chính thức công trình vào ngày 2/11, cùng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Được biết, Lào đã sản xuất 1.600 MW điện trước khi NT2 đi vào hoạt động. Theo tiết lộ của Bộ trưởng Nam Viyaketh, chính phủ Lào muốn tăng công suất lên 23.000 MW vào năm 2030. Bởi cả Việt Nam và Thái Lan đều muốn mua khoảng 7.000 MW, trong khi Campuchia cũng đăng ký 2.000 MW.

Tuy nhiên, ngẫm đến bài học thủy điện trong nhiều thập kỷ qua ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ - những nước đang gia tăng nhanh số lượng các con đập vì mục tiêu thủy điện, nhiều nhà phê bình nhận định, các dự án đập ở Lào có thể sẽ đẩy hàng ngàn người vào tình trạng bất ổn định về chỗ ở và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường.

Đi ngược với nhận định trên, nhà Kinh tế học Christopher Hnanguie thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á, đơn vị cung cấp các khoản vay cho dự án xây đập ở Lào cho hay: “Những lo lắng đó không có căn cứ”. Bởi theo ông, dự án đã nghiên cứu trong 18 năm và tham khảo ý kiến của nhiều địa phương trước khi thực hiện. Kết quả là đã có một sự thỏa thuận để người dân những nơi này nhận được các khu nhà tái định cư tốt hơn, có phòng khám y tế, điện và thậm chí họ còn được hỗ trợ tài chính để kinh doanh, buôn bán nhỏ. "Các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội nơi đây cũng được đánh giá là tốt nhất trên thế giới" - ông Hnanguie khẳng định.

Trong khi những người ủng hộ NT2 luôn khẳng định, cộng đồng bị ảnh hưởng đã được đền bù và lợi nhuận sẽ được dành cho việc xóa đói giảm nghèo thì chính những người dân, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện lại cho rằng, cuộc sống của họ vẫn chưa cải thiện, mặc dù “có tốt hơn cũ”.

Theo một số hộ di cư sau dự án đập Huouay Ho, họ chỉ nhận được nhà ở mới, trường học và trung tâm y tế. Tuy nhiên, một số cam kết như điện thì lại không được tôn trọng. Điều tồi tệ hơn là họ không được cấp đủ đất nông nghiệp. Ở nơi ở cũ, nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của họ, không ai phải đi làm thuê để kiếm sống, nhưng bây giờ, gần như gia đình nào cũng thiếu lương thực và cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào việc bán sức lao động. Đó là lý do khiến nhiều hộ đã tái định cư nhưng vẫn lén lút trở lại quê cũ, họ còn gửi đơn đề đạt nguyện vọng được trở lại quê hương nhưng chính quyền phản ứng bằng cách buộc họ phải ký cam kết không được trở lại.

“Những người bị ảnh hưởng bởi NT2 cũng bị mất quyền lui tới các khu rừng và dòng sông” – nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Sông ngòi quốc tế Lkuko Matsumoto lo ngại sau khi đến thăm các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi NT2 chỉ vài ngày sau khi con đập này đi vào hoạt động. Bà nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Họ lo ngại các dự án đập sẽ khiến nguồn cá suy giảm và mực nước ven sông tăng cao, gây lũ lụt. "Cuộc sống hàng ngày của họ chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, trồng lúa, và thu thập vật liệu từ rừng, do đó, các đơn vị liên quan và chính phủ cần trợ giúp họ khôi phục lại sinh kế khi xưa. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất và không dễ gì thành công" – bà Matsumoto chia sẻ.

Bản thân Bộ trưởng Nam Viyaketh cũng thừa nhận, sự phát triển mạnh của ngành năng lượng đã có một số tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ông lập luận, những lợi ích luôn vượt xa chi phí mặc dù có thể nói rằng việc xây dựng ngành năng lượng là yếu tố quan trọng trong kế hoạch giảm nghèo ở nông thôn. Hiện Lào được xếp hạng 133 trong số 177 quốc gia của Liên Hiệp Quốc về Chỉ số phát triển con người (Human Development Index) dựa trên các thông số về giáo dục, thu nhập và tuổi thọ. Nhưng theo Chương trình Lương thực Thế giới đánh giá thì Lào vẫn còn đến 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính.

Theo CIA World Factbook, việc chính phủ Lào xây dựng NT2 được xem là một cách thử nghiệm nhằm giảm sự lệ thuộc vào các nhà tài trợ quốc tế, những người cung cấp 560 triệu đô la trong năm tài chính 2008 - 2009, chiếm 1/10th tổng sản phẩm quốc nội.

Dù vậy, các nhà phê bình vẫn hoài nghi, lợi nhuận khổng lồ được tạo ra từ các nhà máy thủy điện sẽ chảy vào túi một số cá nhân, đặc biệt là điều này lại xảy ra ở một nước mà theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2008, là nơi có chỉ số tham nhũng gần như lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Campuchia. "Làm thế nào để sự mất mát từ phát triển thuỷ điện không góp phần tạo nên các chỉ số ấy? Tôi nghĩ đây là một câu hỏi lớn cho chính phủ Lào" – bà Matsumoto nhận định.

Hoàng Anh