Thứ tư, 08/01/2025 | 01:18 GMT+7

Châu Âu sau Chiến tranh lạnh: Nóng bỏng An ninh năng lượng

25/06/2010

Năng lượng luôn là vấn đề nóng bỏng quyết định phần lớn vận mệnh kinh tế thế giới, chi phối cục diện chính trị quốc tế. Từ cấm vận năng lượng đến chiến tranh tranh giành lợi ích về năng lượng là những biểu hiện rõ nhất về xung đột quốc tế thời hiện đại, cho thấy "an ninh năng lượng", "ngoại giao năng lượng" ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức đan xen cơ hội về hoạch định chính sách bảo đảm an ninh năng lượng cho sự nghiệp CNH, HĐH, NDĐT xin giới thiệu bài viết này như một tham chiếu.

so do ong dan dua.jpg

Sơ đồ ống dẫn dầu


Thực trạng tiêu thụ, sản xuất và dự trữ năng lượng của Liên minh châu Âu

Tiêu thụ, sản xuất và dự trữ năng lượng hiện là ba vấn đề quan trọng nổi bật đối với Liên minh châu Âu trong bối cảnh hiện nay; tuy nhiên, xét trên cả ba khía cạnh cơ bản này, EU là khu vực bất lợi do tiêu thụ năng lượng nhiều hơn sản xuất và dự trữ; do đó, Liên minh châu Âu buộc phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập từ các khu vực khác.

Về tiêu thụ, khu vực châu Âu và Bắc Mỹ hiện sử dụng gần 47% năng lượng thế giới trong khi dân số hai khu vực này chỉ chiếm hơn 15% dân số toàn cầu; châu Âu đứng thứ ba thế giới về lượng tiêu thụ năng lượng thô (sau châu Á và Bắc Mỹ). Dầu mỏ, khí đốt chiếm 50% lượng năng lượng tiêu thụ của EU và tỉ lệ này sẽ có thể tăng lên 65% vào năm 2030, theo đó EU sẽ phải nhập khẩu tới 93% lượng dầu mỏ và 84% lượng khí đốt tiêu thụ của mình.

Trong số 20 nước tiêu thụ dầu thô nhiều nhất thế giới, có tới 6 nước thuộc Liên minh châu Âu, cao nhất là Đức (thứ 6), tiếp đó là Pháp (thứ 12), Italia (thứ 13), Anh (thứ 14), Tây Ban Nha (thứ 16) và Hà Lan (thứ 19).

Hiện nay, EU phải nhập khẩu hơn 82% lượng dầu và 57% lượng khí đốt tiêu thụ của mình, trong đó, hơn 33% lượng dầu và 40% lượng khí đốt phải nhập khẩu từ Nga; 21,5% dầu và khí nhập khẩu từ Trung Đông và 16% lượng dầu và 23% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nauy (nước châu Âu không là thành viên EU). Pháp là nước lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng lớn nhất trong EU.
 

Khoi tu dien hat nhan.jpg

Về sản xuất, từ trước tới nay, EU không phải là khu vực có thế mạnh về năng lượng hóa thạch. Chính vì thế, trong số 20 nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, chỉ có duy nhất một thành viên của EU là Anh (thứ 18).

Trong số các nước EU, Thụy Điển là quốc gia khá thận trọng trong vấn đề năng lượng. Đây là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, trên cả nhiều nước thành viên OPEC. Người Thụy Điển được mệnh danh là “chê-ích mắt xanh” vì không tham gia vào một câu lạc bộ năng lượng nào để bảo vệ quyền lợi của mình và cũng không gia nhập OPEC.

Về dự trữ, chỉ riêng trữ lượng dầu thô của khu vực Tây Âu đã lên đến gần 6.000 tỉ m3 (20 năm) trong khi trữ lượng của Anh, nước sản xuất hàng đầu trong vùng, chỉ còn lại 6 năm. Mặc dù nhiều hướng thăm dò khác đang được triển khai nhưng EU ngày càng trở thành đối tác lớn nhập khẩu năng lượng của Nga. Trong 20 quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới, không có nước thành viên EU nào.

Một số nhân tố ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của EU

Trong vấn đề an ninh năng lượng, Liên minh châu Âu luôn phải đối mặt với các trở ngại, khó khăn chủ yếu như sự bất ổn định tại các nguồn cung và đường ống vận chuyển năng lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn và giá năng lượng biến động.

cong virn nang luong mat troi.jpg

Nhân tố thứ nhất, sự bất ổn định tại các nguồn cung và sự bất ổn đối với đường ống vận chuyển năng lượng tại khu vực Liên Xô trước đây.

Đây là chủ đề được lãnh đạo EU đề cập khá nhiều trong thời gian gần đây với tên gọi: “an ninh nguồn cung”. Hai nguồn cung chủ yếu đối với EU từ bên ngoài là Liên bang Nga và Trung Đông. Tuy nhiên, do đặc thù về địa – chính trị và chịu tác động trong quan hệ giữa các nước lớn, hai khu vực nguồn cung này luôn gây cho EU những lo ngại tiềm tàng về vấn đề năng lượng. Sự giành giật ảnh hưởng tại không gian “hậu Xôviết” không chỉ diễn ra giữa Nga và EU, mà còn có sự tham gia của Mỹ. Cộng thêm sự bất ổn tại khu vực Trung Đông càng khiến EU phải cân nhắc nhiều hơn nữa về vấn đề năng lượng, trong khi nguồn khai thác mới là không đổi, cùng với thực tế nhu cầu sử dụng ngày càng cao.

Do phải nhập khẩu khối lượng lớn dầu mỏ, khí đốt từ Nga nên hệ thống trung chuyển từ Nga sang EU giữ vai trò rất quan trọng đối với EU. Và cũng chính vì thế, EU lại càng phải đầu tư nhiều hơn khi đảm bảo duy tu, bảo dưỡng và vận hành một hệ thống đường ống khá phức tạp sau khi dầu và khí được đưa ra khỏi nguồn cung cấp này. Tình trạng căng thẳng và khủng hoảng kéo dài tại các quốc gia có đường ống đi qua, khu vực mà bộ ba Nga - Mỹ - EU đang gia tăng sức mạnh, luôn được EU đặt ưu tiên hàng đầu trong công tác hoạch định chiến lược của mình, trong đó các cuộc “khủng hoảng khí đốt” ở Ucraina và Belarus là những ví dụ điển hình.

Nhân tố thứ hai, tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an toàn trong khai thác và sử dụng năng lượng.

Nghị định thư Kyoto theo sáng kiến của Nhật Bản là tiếng nói cảnh tỉnh toàn nhân loại, đặc biệt đối với các khu vực, các nước công nghiệp phát triển sử dụng nhiều năng lượng. EU cũng là một trong những khu vực đã và đang lên tiếng khá mạnh mẽ trong phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu, kêu gọi cắt giảm lượng khí thải vào không gian và hiện tượng hiệu ứng nhà kính…, những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng ấm lên của Trái đất.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là phải đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác và sử dụng, đặc biệt đối với điện hạt nhân. Đây là vấn đề không còn mới mẻ, nhưng vẫn tiềm ẩn những mối đe dọa, trong đó thảm họa Tchernobyl tại Ucraina năm 1986 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tới toàn nhân loại.

Nhân tố thứ ba, sự biến động của giá năng lượng: Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 70 của thế kỷ XX, giá dầu đã gây ra nhiều “cơn chấn động” đối với nền kinh tế thế giới. Kết hợp với sự lên xuống tự do của đồng đô-la Mỹ trên thị trường tiền tệ, ngọn nguồn các cơn chao đảo của kinh tế thế giới đều phần lớn liên quan tới thị trường năng lượng. Ví dụ gần đây nhất là cuộc khủng hoảng giá dầu bắt đầu từ cuối năm 2007 và sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Năm 1999, giá dầu thô trung bình trên thế giới là 10 USD/thùng, đến thời điểm giữa năm 2008 đã lên tới mức gần 140 đôla Mỹ/thùng, ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các nền kinh tế từ lớn tới nhỏ trên thế giới.

Tác động của các nhân tố trên khiến cho EU luôn phải lo lắng, đối phó. Nếu không khẩn trương có đối sách đúng đắn, kịp thời, có thể EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả khôn lường từ vấn đề năng lượng.

Các giải pháp năng lượng chủ yếu của EU

Một là, xây dựng chính sách năng lượng. Liên minh châu Âu đã khởi động đàm phán Hiến chương năng lượng EU theo đề xuất của Hà Lan tại cuộc họp Hội đồng châu Âu tổ chức tại Dublin, Ailen vào tháng 6/1990. Hiệp định và Nghị định thư liên quan tới bản Hiến chương đã được ký tại Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 17/12/1994.

Sau khi khu vực Trung Đông lâm vào tình trạng khủng hoảng mới vì cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq năm 2003, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu bắt đầu xem xét nghiêm túc chính sách năng lượng của mình. Chỉ thị về sử dụng hiệu quả năng lượng và dịch vụ năng lượng đã được Ủy ban châu Âu phê duyệt ngày 13/12/2005 và có hiệu lực vào năm 2006. Chỉ thị này tạo tiền đề ra đời sáng kiến Hiệu quả năng lượng tại châu Âu, với mục tiêu tiết kiệm 9% năng lượng sau 9 năm trong các nước thành viên và yêu cầu các hãng năng lượng phải cung cấp cho khách hàng các công cụ đo hiệu suất năng lượng đối với các nhà cung cấp năng lượng. Ngoài ra, EU cũng tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu các kỹ thuật - công nghệ ứng dụng với mục đích tiết kiệm năng lượng ở mức cao nhất.

Tháng 1/2006, Anh đệ trình bản dự thảo “Cách tiếp cận châu Âu đối với vấn đề năng lượng” trong đó đã đưa ra được cách tiếp cận bao quát về chính sách năng lượng cho châu Âu với mục đích đảm bảo sự ổn định, kiểm soát được và bền vững về năng lượng. Sau đó, ngày 8/3/2006, sách Xanh về Chiến lược năng lượng bền vững, cạnh tranh và an toàn của Liên minh châu Âu được ban hành. Ngày 10/1/2007, EU công bố bản Kế hoạch năng lượng chiến lược đầu tiên của mình với nhiều văn bản liên quan, nhằm mục đích xây dựng một khối kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng. Ngày 23/9/2007, Ủy ban châu Âu đã ký ban hành Quyết định 98/181/EC về Hiệp định Hiến chương năng lượng và Nghị định thư Hiến chương năng lượng về các vấn đề liên quan tới môi trường và sử dụng hiệu quả năng lượng.


Đầu tháng 11/2008, EU ban hành “Kế hoạch năng lượng chiến lược châu Âu lần thứ hai” tập trung vào chủ đề an ninh nguồn cung và mở rộng sang các lĩnh vực ngoài chính sách năng lượng của EU. Đây có thể được coi là bản kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2009-2012.

Hai là, đẩy mạnh ngoại giao năng lượng. Trong bài phát biểu tại Hội nghị năng lượng EU với chủ đề “Hướng tới một chính sách ngoại giao năng lượng EU” tổ chức ngày 20/11/2006 tại Bỉ, Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh chung EU Daviê Xôlana nhận định rằng: Thời kỳ tìm kiếm năng lượng dễ dàng đã qua, Liên minh châu Âu cần phải thực hiện chính sách năng lượng của mình và các mục tiêu năng lượng của EU sẽ ảnh hưởng tới các lựa chọn trong chính sách đối ngoại…

Ông cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết về một chính sách ngoại giao năng lượng chung cho toàn Liên minh châu Âu. Tuy  nhiên, trên thực tế, tùy nhu cầu và năng lực của mình, mỗi quốc gia thành viên EU lại lựa chọn những phương tiện khác nhau để thực thi “ngoại giao năng lượng” nhằm đa dạng và chủ động đối với các nguồn cung (hai đối tác trọng điểm nhất là Nga và Trung Đông, sau đó là các khu vực như châu Phi, Caribê, Thái Bình Dương…).


Ba là, cơ cấu lại các hình thức và loại hình năng lượng và đẩy mạnh nghiên cứu các nguồn năng lượng đổi mới, thay thế. Trong vòng mười năm trở lại đây, khoảng cách giữa than và khí tự nhiên trong tiêu thụ tại Liên minh châu Âu đã rút ngắn. Than đã được sử dụng ít hơn tại khu vực Tây Âu do vấn đề môi trường. Nhiều nước EU đã bắt đầu kết hợp sử dụng khí thiên nhiên vào quy trình công nghệ sản xuất chính. Ngoài ra, để tránh tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng thô, nhiều nước EU đã đẩy mạnh sản xuất điện từ gió, năng lượng mặt trời, nhiệt từ lòng đất...

 Để thúc đẩy các nước thành viên sử dụng các loại năng lượng này, năm 2004 Hội đồng năng lượng EU đã công bố mục tiêu bắt buộc các nước thành viên phải chuyển 20% năng lượng tiêu thụ hiện hành sang các loại năng lượng đổi mới và đưa nội dung này vào bản Lộ trình năng lượng đổi mới của mình. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tháng 3/2007, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các nước thành viên đã thống nhất về vấn đề này. Ngày 23/1/2008, Ủy ban châu Âu công bố Chỉ thị khung về năng lượng đổi mới. Đồng thời, EU tích cực triển khai sản xuất và sử dụng điện hạt nhân. 


Tóm lại, hiện nay vấn đề năng lượng là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Liên minh châu Âu. Để giải quyết vấn đề năng lượng, EU đã thực thi một số giải pháp chính như: xây dựng và thực thi chính sách năng lượng; đẩy mạnh ngoại giao năng lượng; đa dạng hóa và chủ động hơn nữa nguồn nhập khẩu từ Trung Đông, Nga và một số khu vực khác; cơ cấu lại các hình thức và loại hình năng lượng sử dụng và đẩy mạnh nghiên cứu các nguồn năng lượng đổi mới …

Từ thực trạng năng lượng, các nhân tố tác động tới an ninh năng lượng và thực thi các giải pháp chủ yếu về năng lượng, EU có thể giải quyết thành công vấn đề năng lượng trong điều kiện kinh tế thế giới còn biến động khó khăn trong thời gian tới.


Theo Nhandan.vn