Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:35 GMT+7
Gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những đoàn xe của nông dân tại các khu vực ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) chở vỏ lạc, rơm rạ, cành củi nhỏ... đến bán cho một số công ty sản xuất năng lượng sinh học.
Một hình ảnh cho thấy những bước đi thiết thực đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong chiến lược bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Viên năng lượng kiểu mới
Với mong muốn tìm hướng đi mới giúp người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là nông dân, có thể tiếp cận được nguồn năng lượng sạch mà không phải lo nghĩ nhiều về chi phí, Bộ Nông nghiệp và một số công ty công nghệ cao Trung Quốc đã phối hợp đẩy mạnh một mô hình năng lượng từ phế thải nông nghiệp mới có tên gọi “Viên năng lượng” (Biomass Pelletized Fuel). Theo đó, các nhà máy sẽ đứng ra thu mua những vật liệu rác mà người nông dân thường chỉ có một biện pháp duy nhất là đốt như vỏ lạc, rơm, củi khô vụn, mùn cưa... Nguyên liệu rác thô sẽ được đưa vào dây chuyền sấy khô, cắt nhỏ, lọc sạn, xử lý kỹ thuật cao để giảm chất độc hại, rồi nén thành các viên năng lượng nhỏ có kích thước to bằng ngón tay cái có thể được đốt trong những bếp lò kiểu mới.
Một bãi thu mua nguyên liệu của Công ty Shengchang
Theo ông Fu Youhong, Giám đốc điều hành của công ty Shengchang Bioenergy (Bắc Kinh) – một trong những công ty đi tiên phong trong mô hình viên năng lượng sinh học – sản phẩm mới này đang được kỳ vọng sẽ dần thay thế nguyên liệu than truyền thống trong các gia đình nông thôn Trung Quốc. Đồng tình với quan điểm này, anh Bi Hongjun, một tài xế xe buýt tại Bắc Kinh cho biết: “Nhà tôi đang dùng thử bếp mới trong chương trình thử nghiệm của Chính phủ. Nó không giống với kiểu bếp lò cũ vốn rất khói bụi và tốn thời gian nhóm bếp. Nhiên liệu được đóng thành viên nhỏ nên cũng rất dễ lưu trữ và kiểm soát nhiệt lượng”.
“Chúng tôi đang hướng mô hình mới này đến người nông dân và những người có thu nhập thấp. Họ vừa có thể bán nguyên liệu để thu về chút tiền, đồng thời có thể hưởng lợi rất nhiều từ loại nhiên liệu mới giá rẻ, tiết kiệm và sạch hơn rất nhiều lần vì tạo ra ít carbon, sulfur và khí nitơ so với dầu và than. Ngoài ra, nó còn rẻ hơn 2- 3 lần loại năng lượng sạch khác là khí ga”, ông Fu cho biết.
Hướng đi tất yếu
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) tuy còn những bất đồng giữa các quốc gia về cương lĩnh hành động, nhưng một điều không thể phủ nhận là biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường là thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ này. Với lượng khí thải nhà kính được ước tính có khả năng vượt qua Mỹ trong vài năm tới, Chính phủ Trung Quốc đang thể hiện rõ thiện chí và cam kết trong hành động của mình. 70% nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào than là điều mà nước này không thể không nghĩ tới trong chiến lược phát triển năng lượng sạch của mình.
“Chúng tôi sẽ không lặp lại con đường phát triển của các nước phát triển khác bởi hướng đi đó quá tốn năng lượng và ô nhiễm” – ông Xie Zhenhua, Thứ trưởng Bộ Cải cách và Phát triển (NDRC) tuyên bố vào tuần trước và khẳng định khoảng năm 2020 Trung Quốc sẽ cắt giảm 40- 45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005. Nhiều chuyên gia cho rằng trong vài năm tới lượng khí thải của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tăng nhưng ở mức độ chậm hơn. Sự cải thiện môi trường có thể vẫn chưa rõ rệt nhưng quyết tâm của nước này là một bước đi quan trọng với mô hình viên năng lượng sinh học mới là ví dụ điển hình.
Theo ông Bjorn Stigson, Chủ tịch Hội đồng Thương mại thế giới vì sự phát triển bền vững: “Trung Quốc ý thức rõ cần phải cải thiện môi trường hiện nay bằng việc tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm để có thể nâng cao chất lượng sống trong tương lai”. Ông Stigson cũng là một trong những chuyên gia được Chính phủ Trung Quốc mời xây dựng kế hoạch phát triển một nền kinh tế mới ít carbon hơn, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư phát triển năng lượng tái sinh và giáo dục ý thức người dân về lối sống mới bền vững. Ví dụ cho hướng đi này là khoảng 80.000 trong tổng số 160.000 hộ dân ở Bắc Kinh đã được định hướng từ bỏ đốt than sưởi ấm trong mùa đông bằng cách sử dụng lò điện trong một chương trình kéo dài 7 năm.
Với 12.000 bếp lò kiểu mới đã đến với các gia đình thu nhập thấp ở Bắc Kinh, điều cần làm tiếp theo là một kế hoạch tổng thể để đưa những thành tựu khoa học này đến với nhiều vùng khác. “Trung Quốc và châu Á hiện nay có lợi thế rất lớn so với châu Âu để áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất vì họ đang trong giai đoạn phát triển. Những hậu quả ô nhiễm môi trường là điều quá rõ ràng và đang hiện hữu, do đó, đây là hướng đi duy nhất cho một nền kinh tế bền vững”, ông Stigson nhận định.
Theo giadinh.net.vn