Tham gia sự kiện có đại diện các doanh nghiệp cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng; đại diện các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành công nghiệp (xi măng, thép, dệt may, giấy, chế biến thực phẩm, gạch và gốm sứ); cùng nhiều tổ chức tài chính.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện các hoạt động về TKNL, Bộ Công Thương nhận thấy các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và giải pháp TKNL còn yếu và thiếu, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn còn hạn chế. Do đó, một trong các mục tiêu của Dự án VSUEE là hỗ trợ nhằm đẩy mạnh dịch vụ của các doanh nghiệp này, góp phần thực hiện các giải pháp TKNL trên toàn quốc.”
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc sự kiện
Dự án VSUEE đã có những báo cáo khảo sát đánh giá năng lực kỹ thuật, năng lực bán hàng của các đơn vị cung cấp thiết bị TKNL, đánh giá mức độ tiếp cận thị trường của các đơn vị. Đồng thời, báo cáo phân tích môi trường, kế hoạch kinh doanh, marketing và kế hoạch tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng bán hàng cho các công ty cung cấp thiết bị TKNL.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị TKNL hiện đang tích hợp nhiều hệ thống quản lý khác nhau nhằm nâng cao hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn ngành. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể (khoảng 40%) các công ty vẫn chưa có hệ thống quản lý chính thức. ISO 9001, ISO 14001 và ISO 50001 là ba tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất.
Bên cạnh các giải pháp được cho là phổ biến, các công ty cũng cung cấp các công nghệ mới khác như: Giải pháp kiểm soát điện năng của Enercon (Singapore); hệ thống quản lý và đốt cháy nồi hơi Autoflame; thiết bị điện của công ty Inphase (Ấn Độ);....
Ông Nguyễn Thanh Hà - Công ty Cổ phần RCEE – NIRAS đánh giá năng lực của các công ty cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng
Ông Nguyễn Thanh Hà, Công ty Cổ phần RCEE – NIRAS (đơn vị tư vấn của dự án VSUEE) đánh giá: Phần đa các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những trở ngại do thiếu khung pháp lý cho EPC (Engineering, Procurement and Construction - Gói thầu hỗn hợp về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp). Đồng thời, thiếu hỗ trợ/ ưu đãi tài chính phù hợp để triển khai và thực hiện dự án. Cũng như các rào cản liên quan đến nhận thức rủi ro. “Về vấn đề nhận thức, nhiều doanh nghiệp còn lo ngại rằng các giải pháp TKNL có thể ảnh hưởng đến quy trình sản xuất hoặc vận hành, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.”- ông Hà cho nhận định.
Liên quan đến đội ngũ bán hàng, đại diện Dự án nhìn nhận, hơn 50% doanh nghiệp cho rằng các hoạt động liên quan đến đội ngũ bán hàng đều ở mức trung bình và dưới trung bình. Có hơn 66% đánh giá là đội ngũ bán hàng chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng bán hàng. Hơn 65% chưa nỗ lực để hiểu các yêu cầu của khách hàng. Chỉ có 8,7% được đào tạo đầy đủ về các dịch vụ và sản phẩm.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp
Công tác truyền thông được đánh giá thấp nhất trong các hoạt động thuộc marketing và chỉ ở mức trung bình, 82% cho biết doanh nghiệp ít hoặc rất ít thực hiện hoạt động truyền thông đến khách hàng mục tiêu. Chỉ có gần 28% là thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ liên quan đến TKNL, có đến 3/4 là rất ít khi tổ chức các sự kiện liên quan đến khách hàng.
Tại sự kiện, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng. Một số ý kiến băn khoăn về chính sách hỗ trợ phát triển bền vững và thị trường tiết kiệm năng lượng, cũng như quy trình, thủ tục để tham gia đồng hành cùng chương trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Hồng Thu - Đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thảo luận tại Hội thảo
Thông qua các hia sẻ và thảo luận, sự kiện đã tiếp nhận những phản hồi về rào cản, vướng mắc cản trở của thị trường thiết bị TKNL; những cơ hội và thách thức của các đơn vị cung cấp thiết bị TKNL tham gia vào thị trường TKNL; định hướng chiến lược marketing cũng như các rào cản trong đào tạo. Những ý kiến đóng góp tại sự kiện góp phần quan trọng trong việc định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) được triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 01/2026 trên phạm vi cả nước. Bộ Công Thương – Cơ quan chủ quản dự án là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chung kết quả thực hiện dự án. Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) giai đoạn 3 cũng như là Thỏa thuận Paris về các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong ngành năng lượng và công nghiệp. Dự án bao gồm 02 hợp phần: Hợp phần 1 - Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF), với kinh phí là 03 triệu USD viện trợ không hoàn lại, dùng để triển khai các hoạt động của Quỹ chia sẻ rủi ro; Hợp phần 2 - Hỗ trợ kỹ thuật, với tổng kinh phí 8,3 triệu USD, dùng để Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bên tham gia Dự án, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Tố Uyên