Thứ tư, 08/01/2025 | 00:44 GMT+7
Năng lượng hạt nhân trước đây đã bị các nhà môi trường học chê bai, nay đã được xem như một lối thoát cho nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới trong cuộc chống chọi với mối đe dọa của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một chiến dịch bền bỉ của công nghiệp để lấy lại cho nó một thương hiệu là năng lượng xanh và giành vị thế là một phần của cố gắng dỡ bỏ tấm màn che của khí nhà kính.
Dù rằng, năng lượng hạt nhân vẫn phải đối phó với thách thức về chất thải phóng xạ của lò phản ứng. Mặt khác, lò phản ứng vốn là một mục tiêu “đầy quyến rũ” đối với bọn khủng bố, đòi hỏi phải có biện pháp cảnh báo nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Tình hình hiện nay là 104 lò phản ứng hạt nhân tại 31 bang của nước Mỹ đang hoạt động. Chúng sản xuất ra 70% năng lượng chủ yếu không chứa cacbon và không phát thải ra khí cacbonic gây hiệu ứng nhà kính.
Mãi gần đây năng lượng hạt nhân mới thuyết phục được những người chống đối và hoài nghi. Marvin Fertel, Giám đốc Viện năng lượng hạt nhân nói trong một cuộc phỏng vấn: "Nếu bạn muốn nói về biến đổi khí hậu và sản xuất điện, thì hạt nhân sẽ là nghiệm số đáng tin cậy nhất của phương trình”.
Quốc hội Mỹ đã lập ra 3 Ủy ban để nghe báo cáo luật về giảm khí nhà kính từ các nhà máy điện và các trung tâm công nghiệp lớn, nhằm mục đích cắt giảm loại khí này tới 80% vào năm 2050. Nhà Trắng cũng đã thông qua một dự thảo luật và đó là cơ hội lớn để Mỹ xây dựng những lò phản ứng mới.
Ông Jason Grumet, Giám đốc điều hành Ủy ban quốc gia về chính sách năng lượng Mỹ, một tổ chức các chuyên gia của cả hai đảng thành lập từ 7 năm trước thường xuyên khuyến cáo các quan chức chính phủ về vấn đề năng lượng phát biểu: “Năng lượng hạt nhân là quan trọng ở cả hai khía cạnh: vừa là một ngành kinh tế không thải cacbon, vừa tạo ra được sự thống nhất hiếm có giữa hai đảng về một vấn đề lớn”. Ông còn nói, tất cả các mô hình kinh tế thuộc Luật Khí hậu “đều hướng vào sự tăng trưởng năng lượng hạt nhân”, giống như hiện tượng đã từng bùng phát trước những năm 1970.
Một dự án do Viện Nghiên cứu điện năng đề xuất là cho đến năm 2030 cần phải xây dựng thêm 45 lò phản ứng mới, trong khi Cục Thông tin năng lượng đưa ra con số cao hơn hẳn, tới 70 lò. Còn phân tích của Cục Bảo vệ môi trường EPA lại cho rằng, đến năm 2050 cần tới 180 lò mới, mới có thể giảm 80% phát thải khí nhà kính.
Ủy ban điều hòa hạt nhân (Nuclear Regulatory Commission) đã đề xuất 30 lò phản ứng mới. Trong thập kỷ tới, chỉ có thể xây xong một số trước năm 2016 và như vậy cần có sự đảm bảo của Chính phủ đối với đầu tư của tư nhân.
Tuy nhiên, không phải sự nhất trí là tuyệt đối.
Đối với nhiều nhà hoạt động môi trường vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết ở những mức độ khác nhau khi thông qua các dự án.
Bà Susan Vancko, Liên đoàn các nhà khoa học quan tâm nói: "Chúng tôi không thể phủ nhận tiềm năng của năng lượng hạt nhân với tư cách là một giải pháp môi trường. Nhưng…” – bà nói thêm “…hãy nhớ cho rằng chi phí đầu tư vào ngành này thật khổng lồ, tới 10 tỷ đôla một lò phản ứng. Đó là một trong những phương án tốn kém nhất để giảm thiểu khí nhà kính”. Bà tuyên bố sẽ chống lại “những món nợ gần như vô giới hạn” nếu vì những lò phản ứng hạt nhân này mà dẫn tới các vụ phá sản.
Một liên minh giữa 14 nhóm môi trường và chống hạt nhân (anti-nuclear) thể hiện quan điểm chung trong lá thư mới đây gửi cho các nghị sĩ quốc hội cảnh báo nếu dễ dàng thỏa mãn các yêu cầu và chạy theo việc xây dựng các nhà mày mới “sẽ là coi thường niềm tin của quần chúng vào tính an toàn của các lò phản ứng”.
Những lời kêu gọi như vậy vẫn đan xen với chủ trương xúc tiến mạnh năng lượng hạt nhân có khuynh hướng thắng thế
Tuấn Hà (Theo AP)