Chủ nhật, 22/12/2024 | 00:22 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng:Bắt đầu từ đâu ?

26/11/2009

Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, để sản xuất ra 1 tấn thép, các nhà máy của Việt Nam cần đến 13 triệu Kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới. Thậm chí, so với láng giềng, mức tiêu thụ năng lượng trong một sản phẩm tương đương của Việt Nam cao hơn của Thái Lan, Ma-lai-xi-a từ 1,5 đến 1,7 lần...

Những con số biết nói

 

Không khó để nhận thấy rằng, do lãng phí năng lượng nên giá thành sản xuất của nhiều loại hàng hoá "Made in Việt Nam" thường cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại xuất xứ từ một số nước láng giềng. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chi phí năng lượng/chi phí sản xuất của ngành sản xuất gạch - ngói là 45-50%, tiếp đến là gốm sứ (35-40%), giấy - bột giấy (20-25%), dệt may (20-25%), chế biến thực phẩm (18-20%). Tương tự, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của các ngành nói trên đều có thể là từ 15-50%. Rõ ràng, những con số ấy ẩn chứa rất nhiều thông điệp.

 

Ông Lê Đức Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế và Sản xuất gốm, sứ Bát Tràng cho biết, trước đây hầu hết làng nghề Bát Tràng đều dùng công nghệ lò hộp đốt than với chi phí lớn, sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thị trường và làm ô nhiễm môi trường, gây bệnh cho con người. Nhưng từ khi chuyển sang công nghệ lò con thoi đốt gas thì sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã mang một diện mạo mới. Lò con thoi giúp giảm tiêu hao nhiên liệu hơn 40%, rút ngắn thời gian nung từ 20-24%; chất lượng sản phẩm nung cao, ổn định, thu hồi 98-99% thành phẩm trong khi chi phí đầu tư chỉ bằng khoảng 50% giá ngoại nhập.

 

Bên cạnh ngành gốm sứ, ngành sản xuất gạch cũng gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhờ chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ lò nung gạch liên tục kiểu đứng (LTKĐ). Lò gạch LTKĐ - công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội giúp tiết kiệm khoảng 45-70% năng lượng so với lò gạch kiểu truyền thống. Điển hình trong ngành này phải kể đến doanh nghiệp (DN) tư nhân Hạt Ngọc (tỉnh Hải Dương). Nhờ mạnh dạn chuyển giao và cải tiến công nghệ, DN đã giảm được hơn 3/4 năng lượng sử dụng so với trước đây. Cụ thể: để sản xuất 10.000 viên gạch, nếu dùng công nghệ cũ phải mất 2,2 tấn than trong khi dùng lò LTKĐ chỉ mất 0,6 tấn. Hiện tại, công nghệ lò gạch LTKĐ phát triển mạnh tại Hải Dương, giúp tỉnh này mỗi năm tiết kiệm được khoảng 120.000 tấn than, tương đương 96 tỷ đồng và 80.000 tấn củi, tương đương 48 tỷ đồng.

 

Sở dĩ việc sử dụng nguồn NLTT còn khó khăn là do hiện nay nước ta chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Nước ta cũng thiếu các DN thương mại cung cấp các thiết bị NLTT và dịch vụ liên quan đến NLTT. Do vậy, các công nghệ NLTT phần lớn chưa chế tạo được trong nước và các dịch vụ sau lắp đặt chưa có...

Nguồn: TS Phạm Khánh Toàn,

Viện trưởng Viện Năng lượng

Không chỉ là công nghệ lạc hậu

 

Theo Bộ KH-CN, sở dĩ hiệu suất sử dụng năng lượng của các DN công nghiệp Việt Nam là rất thấp bởi hai lý do chính: công nghệ, thiết bị lạc hậu và việc quản lý, sử dụng năng lượng trong DN chưa được chú ý đúng mức. Nếu như công nghệ có thể mua được bằng tiền thì chuyện thiếu ý thức lại không phải vậy.

 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh (ECC) cho biết, nhận thức của cộng đồng về TKNL là rất hạn chế. Đã có nhiều lớp học về TKNL tổ chức cho các địa phương nhưng chính các nhà lãnh đạo còn chưa hiểu đầy đủ về TKNL, cho rằng tiết kiệm điện là... cắt điện. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đối tượng cần TKNL chỉ là nhà máy nên "hồn nhiên" trả lời rằng: "Tỉnh tôi có vài nhà máy nên đâu phải lo TKNL!". Hơn nữa, cuộc thi "Toà nhà năng lượng hiệu quả" nhằm tuyên truyền cho hoạt động TKNL cũng chưa thu hút được đông đảo các đơn vị tham gia, phần nhiều là các đơn vị du lịch, đào tạo...

 

Theo Viện Năng lượng (Viện KHCN Việt Nam), cùng với việc sử dụng TKNL thì vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong những năm tới là phải phát huy được tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Hiện nguồn năng lượng này mới được khai thác ở quy mô rất nhỏ: 1,25 MW (năng lượng gió), 1,2 MW (năng lượng Mặt trời), 2 MW (khí sinh học), 2,4 MW (rác thải)...

 

Trong bối cảnh hiện nay, TKNL trở thành vấn đề sống còn của nhiều DN. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp TKNL mang lại lợi ích nhiều nhất với chi phí đầu tư hợp lý nhất, rất cần có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Câu chuyện "ý thức" dường như là vấn đề muôn thuở mà đề cập mãi vẫn thấy không bao giờ cũ!

 

                                                                                                                                                                                                                   (Nguồn: tintuc.xalo.vn)