Thứ bảy, 05/10/2024 | 00:06 GMT+7
Khi sử dụng tủ lạnh cần để chỗ thoáng mát. Điều chỉnh nhiệt độ ở 7-8 độ C sẽ tốn ít điện hơn. Với tủ lạnh mới mua về, nên điều chỉnh 2-3 lần để tiến dần tới nhiệt độ tốt nhất (thường là 7-8 độ C). Nếu là tủ lạnh có 2 cửa nhiệt độ buồng đông lạnh ở mức -18 độ C là đủ để nước đóng băng. Dùng -18 độ C thay cho -22 độ C thì mỗi tháng bạn tiết kiệm được khoảng 25% điện. Thông thường nhiệt độ giữ lạnh cho cá tươi, thịt tươi tốt nhất là trên, dưới -1 độ C, với sữa bò và trứng gà, trứng vịt là 3 độ C, hoa quả và rau xanh là 5 độ C.
Khi lấy thực phẩm ra dùng, không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng ở bên ngoài, làm cho nhiệt độ bên trong tủ cao lên, tăng thời gian hoạt động của bộ phận nén, do đó làm hao điện và làm các chi tiết bị mài mòn hơn. Vì thế, cần một mảnh ny lon làm rèm che để ngăn cản sự đối lưu giữa hai luồng không khí trong và ngoài. Làm thế vừa tiết kiệm vừa là bảo vệ máy.
Khi lấy thực phẩm ở buồng giữ lạnh ra dùng, hãy mang đồ ăn đã kết đông từ buồng đông lạnh chuyển xuống buồng giữ lạnh. Nếu đồ ăn này vẫn chưa dùng đến lại cho trở lại buồng đông lạnh. Cứ làm như thế nhiều lần, buồng giữ lạnh không cần nhờ vào sự hoạt động của thiết bị chế lạnh cũng giảm được nhiệt độ.
Nên hạn chế số lần mở cửa tủ lạnh, vì mở càng nhiều, lượng điện tổn hao sẽ càng nhiều hơn. Nước nóng, cơm nóng... phải để nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh. Nếu cho vào khi còn nóng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm điện hao nhiều hơn.
Các gia đình nên dùng đồ đựng bằng kim loại thay cho đồ nhựa, Vì, hộp nhựa có tính năng dẫn lạnh kém, nên thời gian làm lạnh sẽ dài ra. Còn dùng đồ đựng bằng nhôm hay thép không rỉ thì thời gian làm lạnh sẽ được rút ngắn, điện được tiết kiệm hơn...
(Nguồn: HNM)