Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:38 GMT+7

Giảm tổn thất điện năng, ngành Điện lực Việt Nam đối diện thách thức nào tiếp theo?

28/08/2023

Tổn thất điện năng đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ tổn thất điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Nhưng để tiếp tục giảm chỉ số này, ngành điện sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào trong thời gian sắp tới? Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của chuyên gia PECC2 phân tích về nội dung này để bạn đọc tham khảo.
Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIIINhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII
Chồng chéo, bất cập của chính sách đang trói buộc kế hoạch phát triển truyền tải điện quốc giaChồng chéo, bất cập của chính sách đang trói buộc kế hoạch phát triển truyền tải điện quốc gia
Trong hơn 20 năm trở lại đây, việc giảm tổn thất điện năng (TTĐN) trên hệ thống điện là một vấn đề rất được chú ý và đặt nhiều quyết tâm thực hiện từ EVN. Từ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), các tổng công ty phân phối (EVNNPC, EVNCPC, EVNSPC, EVNHANOI, EVNHCMC) cho đến các công ty điện lực (PC) đều tổ chức thi đua, phấn đấu để giảm TTĐN xuống dần theo từng năm.
Vì sao cần phải giảm tổn thất điện năng?
Tổn thất điện năng trên lưới điện được định nghĩa là lượng điện năng tiêu hao cho quá trình truyền tải và phân phối điện từ nguồn điện đến các hộ tiêu thụ điện cuối cùng. Trong quản lý, tổn thất điện năng được chia thành 2 loại: Tổn thất kỹ thuật và tổn thất phi kỹ thuật.
Tổn thất kỹ thuật là tất yếu xảy ra trong quá trình truyền tải điện từ nơi sản xuất, đến nơi tiêu thụ (bao gồm các tổn thất nhiệt trên các thiết bị điện truyền tải, các đường dây, tổn thất do vầng quang…). Còn TTĐN phi kỹ thuật là tình trạng vi phạm trong sử dụng điện như (lấy cắp điện dưới nhiều hình thức, do chủ quan của người quản lý khi mất pha, công tơ hỏng, sai lệch…).
Việc giảm TTĐN là một vấn đề quan trọng trong ngành điện, vì góp phần giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí nguyên liệu và môi trường, cũng như độ tin cậy của hệ thống điện. Những khoản tiết kiệm này có thể được sử dụng để đầu tư vào các công trình hạ tầng mới nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy của hệ thống, cũng như chất lượng của các dịch vụ điện. Việc giảm TTĐN cũng gián tiếp giúp giảm phát thải khí carbon trong sản xuất điện, bảo vệ môi trường và đồng hành cùng quốc gia trên con đường tiến tới Net zero theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm TTĐN trên hệ thống điện, chẳng hạn như các thiết bị đo lường, điểu khiển thông minh sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác điều độ, vận hành hệ thống, giúp tăng độ ổn định của hệ thống, góp phần tăng tính hiệu quả và khả năng sử dụng tối đa các nguồn năng lượng.
Cơ cấu nguồn hệ thống điện Việt Nam. Nguồn: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia
Thách thức trong giảm tổn thất điện năng trên lưới điện Việt Nam:
Kết quả thực hiện giảm TTĐN trong những năm qua của ngành điện thực sự ấn tượng. TTĐN đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ TTĐN của EVN sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, để tiếp tục giảm chỉ số này, ngành điện sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:
Địa hình đất nước ta dài và hẹp, tài nguyên năng lượng phân bố không đồng đều với các nguồn nhiệt điện than hầu hết tập trung ở vùng Đông Bắc, nguồn điện khí chủ yếu nằm ở Đông và Tây Nam bộ, nguồn thủy điện chủ yếu phân bố ở miền núi phía Bắc và miền Trung. Hệ thống lưới điện truyền tải hết sức rộng lớn (khoảng cách truyền tải điện xa nhất từ miền Bắc vào miền Nam trên 2.000 km), nhằm đảm bảo truyền tải điện năng từ các nguồn điện đến các trung tâm phụ tải ở khu vực Hà Nội và TP. HCM. Để đáp ứng cân bằng cung - cầu điện trên toàn quốc, phần lớn công suất hệ thống phải truyền tải trên các trục đường dây 500 kV, 220 kV liên miền, việc này làm gia tăng TTĐN.
Có thể nói, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện không đồng đều tại ba miền, cũng như nhu cầu điện năng tại ba miền không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn tối ưu để giảm TTĐN trên lưới điện.
Đối với lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, tốc độ tăng trưởng nhanh của phụ tải khiến nhiều đường dây, máy biến áp phải vận hành đầy, quá tải vào cao điểm, nhất là thời điểm nắng nóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu giảm TTĐN gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp lưới điện nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao năng lực cung cấp điện, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong đó có giảm TTĐN vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là vấn đề thu xếp vốn. Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031 - 2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD.
Về tổn thất phi kỹ thuật, xuất phát từ lòng tham, thiếu ý thức, muốn dùng điện thoải mái, nhưng lại không muốn chi trả cho việc sử dụng quá đà của mình, nhiều cá nhân, tập thể đã thực hiện các hành vi trộm cắp, gian lận trong quá trình mua bán, sử dụng điện. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong kiểm soát TTĐN, thất thoát về tài chính và gây ra mất công bằng trong sử dụng điện. Hiện nay, hành vi trộm cắp điện diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp gây ra nhiều khó khăn đối với ngành điện.
Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải năm 2023 có thể giảm được khi áp dụng biện pháp tối ưu hóa trào lưu công suất. Nguồn: Đề án “Tư vấn tính toán và đánh giá tổn thất điện năng lưới truyền tải giai đoạn 2019 - 2023” do PECC2 lập.
Giải pháp nào?
Đối với lưới điện truyền tải, thấy rõ được tầm quan trọng của việc giảm TTĐN, EVNNPT đã giao nhiệm vụ cho Công ty Truyền tải điện 1 triển khai đề án “Tư vấn tính toán và đánh giá tổn thất điện năng lưới truyền tải giai đoạn 2019 - 2023”. Đề án do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) phối hợp với đơn vị tư vấn RTSoft của Nga lập đã hoàn thành các nội dung chính sau:
1/ Phân tích, đánh giá TTĐN giai đoạn 2014 - 2018 và tính toán TTĐN trong lưới điện truyền tải Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.
2/ Đánh giá các ảnh hưởng đối với TTĐN lưới điện truyền tải: Phương thức huy động nguồn điện, tiến độ của các dự án nâng cấp và xây dựng mới trong lưới điện truyền tải, sự cố kéo dài, quá tải, truyền tải công suất vô công và biến động điện áp, cắt điện phục vụ thi công, sửa chữa bảo dưỡng lưới điện.
3/ So sánh, đánh giá mức TTĐN trên lưới truyền tải Việt Nam với lưới truyền tải của các nước: TTĐN lưới truyền tải Việt Nam (2,54% năm 2022) thuộc nhóm tổn thất trung bình của các nước có hệ thống truyền tải điện tiến tiến. So sánh cùng nhóm tổn thất từ 2 - 3% có TransGrid (Australia), RTE (Pháp), PSESA (Ba Lan), Elia 50 Hertz (Đức), KEPCO (Hàn Quốc), Transelectrica (Rumani), TEIAS (Thổ Nhĩ Kỳ) và SK (Thụy Điển); thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như EGAT (Thái Lan) - 3,19%, PLN (Indonesia) - 6,3%.
4/ Trên cơ sở các kết quả tính toán, phân tích, đề án đưa ra 5 giải pháp để giảm TTĐN trên lưới truyền tải, gồm:
(i) Bù công suất phản kháng.
(ii) Tối ưu hóa trào lưu công suất.
(iii) Nguồn phân tán.
(iv) Đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện.
(v) Các giải pháp khác (ngoài các giải pháp đã thực hiện trên), thì với hệ thống điện có tính đặc thù cao như Việt Nam, việc giảm TTĐN đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: Quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ…
Đối với lưới điện phân phối, theo số liệu thống kê của EVN năm 2022, tỷ lệ TTĐN chủ yếu tập trung ở cấp điện áp trung thế, hạ thế - nơi có khối lượng lưới điện lớn và khó để quản lý các tổn thất phi kỹ thuật. Chính vì vậy, để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, các tổng công ty điện lực cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, nhất là những khu vực lưới điện đã xuống cấp, tỉ lệ tổn thất điện năng lớn.
Song song đó, cần tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, chương trình tiết kiệm điện, góp phần nâng cao ý thức, sự tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, người dân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó là quảng bá, khuyến khích thay thế các thiết bị điện lỗi thời, hiệu suất thấp bằng các công nghệ mới, hiệu suất cao, nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng điện ở từng hộ gia đình… Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để hành vi phá hoại, trộm cắp điện trái phép.
Lời kết:
Việc giảm TTĐN có ý nghĩa rất lớn đối với ngành điện, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí cho người tiêu dùng, gián tiếp giúp giảm phát thải khí carbon trong sản xuất điện, bảo vệ môi trường và đồng hành cùng quốc gia trên con đường tiến tới NetZero theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
Để cụ thể hóa mục tiêu giảm TTĐN, ngành điện đã đề ra và thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện hệ thống lưới điện, tối ưu hóa vận hành hệ thống điện, thực hiện tiết kiệm điện… và thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức rất lớn mà ngành điện phải đối diện trong việc giảm TTĐN (cả về mặt kỹ thuật và phi kỹ thuật), rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả./.
THS. VŨ ĐỨC QUANG - PGĐ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (PECC2)
Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam