Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:32 GMT+7

Các nước châu Âu chạy đua tiết kiệm điện

01/10/2022

Để chuẩn bị cho mùa đông, Đức, Pháp, Tây Ban Nha yêu cầu hạn chế chiếu sáng và điều hòa, nhưng không phải ai cũng đồng tình.

Tại châu Âu, Đức là quốc gia phụ thuộc nhất vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI), năm ngoái, Nga cung cấp 55% khí đốt, 35% dầu và 45% than cho Đức.
Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức (BMWK) nói rằng "để giảm mức tiêu thụ năng lượng, điều hợp lý là ngừng sưởi ấm các phòng mà mọi người không thường xuyên dùng, như hành lang, sảnh lớn, tiền sảnh hoặc phòng kỹ thuật, trừ trường hợp liên quan đến an toàn".
Hiện tại, BMWK đang thảo luận với Bộ Lao động Đức về sắc lệnh quy định việc tiết kiệm năng lượng tại nơi công cộng và tòa nhà văn phòng.
Ở Berlin, chính quyền thành phố cam kết giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng và đã ngừng chiếu sáng các tượng đài vào ban đêm. Điều này khiến các điểm tham quan nổi tiếng như Cổng Brandenburg và Cột Chiến thắng chìm trong bóng tối.
Các quận của Berlin còn dự tính giảm nhiệt độ ở các công sở và trường học trong mùa đông, hạ nhiệt độ của các bể bơi công cộng và sắp xếp lại lịch làm việc của viên chức nhà nước để tận dụng thời gian ban ngày.
Những đề xuất này khiến Jens Spahn - một lãnh đạo Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo tại quốc hội Đức - nói rằng chính phủ có thể khiến người Đức gặp 3 mối đe dọa trong mùa đông là: "Sống lạnh, tắm lạnh, cảm lạnh."
Các dàn nóng của điều hòa trên một tòa nhà ở Seville, Tây Ban Nha vào tháng 6. Ảnh: Bloomberg
Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã chính thức công bố các quy định tiết kiệm điện giữa tuần này. Theo đó, doanh nghiệp không được phép bật điều hóa làm mát dưới 27 độ C hoặc làm ấm trên 19 độ C vào mùa đông.
Quy định có hiệu lực đến tháng 11/2023. Nước này cũng yêu cầu ngừng chiếu sáng các tượng đài. Các cửa hàng phải tắt đèn sau 10 giờ tối và có màn hình hiển thị nhiệt độ bên trong cho người qua lại biết.
Trên thực tế, những giới hạn này không hoàn toàn mới. Trước đó, các tòa nhà công cộng ở Tây Ban Nha, trừ bệnh viện, đã tuân theo giới hạn làm mát 27 độ C. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng rộng hơn lần này cho thấy mức độ nghiêm trọng của một mối đe dọa khủng hoảng năng lượng đang hiện hữu.
Tây Ban Nha ít phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga hơn nhiều quốc gia châu Âu khác. Các hãng năng lượng Tây Ban Nha tuyên bố rằng đất nước này vẫn có thể tồn tại nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt. Và trong khi mục tiêu cắt giảm năng lượng của toàn EU là 15%, thì Tây Ban Nha chỉ được yêu cầu cắt giảm 7%.
Tuy nhiên, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng nhận về một số chỉ trích từ các nhà lập pháp Tây Ban Nha. Isabel Diaz Ayuso - lãnh đạo Madrid, nói rằng bà sẽ không tuân theo quy định về việc chiếu sáng các tòa nhà vì nó sẽ gây mất an ninh, ngăn cản du lịch và kéo theo "bóng tối, nghèo đói, sự buồn bã". Bà cho rằng, đó chính là mối đe dọa với văn hóa ăn đêm của Madrid, nơi 22h là thời gian tiêu chuẩn để ăn tối.
Ở Pháp, chính phủ đã triển khai "Kế hoạch An toàn Năng lượng" nhằm cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trong hai năm tới so với năm 2019. Nội dung đáng chú ý là quy định nhiệt độ hệ thống sưởi và điều hòa ở mức tương ứng là 19 độ và 26 độ trong những tháng tới. Việc tuân thủ dự kiến giúp giảm khoảng 7% năng lượng tiêu thụ.
Pháp chủ yếu dựa vào năng lượng hạt nhân, cung cấp khoảng 42% nhu cầu năng lượng của đất nước. Tiếp đến là dầu mỏ, khí đốt, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo, thủy điện và than đá. Tỷ trọng nhập khẩu từ Nga thấp và chỉ chiếm lần lượt 17%, 9% và 26% khí đốt, dầu, than của Pháp.
Bộ trưởng Năng lượng Agnes Pannier-Runacher cho biết kế hoạch này "tất nhiên là tốt cho hành tinh, nhưng nó cũng tốt cho việc vượt qua mùa đông và không sử dụng khí đốt của Nga trong những năm tới".
Trong khi đó, công chức nhà nước được yêu cầu có trách nhiệm hơn, tắt đèn không cần thiết và các thiết bị không sử dụng ở chế độ chờ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng bất cứ khi nào có thể và làm việc từ xa.
Riêng tại Paris, thành phố đưa ra mức phạt 150 euro đối với các doanh nghiệp để mở cửa sổ và cửa ra vào khi đang mở điều hòa. Chuyên gia của Bloomberg cảnh báo Paris có thể đối mặt với nguy cơ mất điện cao do thời tiết lạnh.
Thách thức về năng lượng của châu Âu đang tăng lên do thời tiết khô nóng nhiều tuần liền và mực nước một số sông ở châu Âu thấp. Đây là việc rất quan trọng khi vận chuyển nhiên liệu đến các nhà máy điện của Đức và làm mát các lò phản ứng hạt nhân của Pháp.
Khi mùa đông bắt đầu, nguồn điện để sưởi ấm sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Một số nước như Italy và Hy Lạp cũng quy định giới hạn làm mát là 27 độ đối với điều hòa trong các tòa nhà công cộng.
Đến nay, Moskva đã cắt một phần hoặc toàn bộ nguồn cung khí đốt cho 12 quốc gia thành viên châu Âu. Cùng với đó, tuyến khí đốt Nord Stream 1, đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Đức, hiện chỉ hoạt động với 20% công suất.
Để đối phó với lo ngại rằng Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt, Liên minh châu Âu đã đồng ý cắt giảm 15% việc sử dụng năng lượng. Miriam Garcia Ferrer, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết cơ quan này cũng có kế hoạch hạn chế sử dụng năng lượng bằng cách đóng cửa một số tòa nhà của Ủy ban. Điều này đã được thực hiện trong mùa hè. Họ cũng giảm sử dụng hệ thống sưởi và làm mát. "Chúng tôi đã đặt hệ thống sưởi ở mức tối đa là 19 độ C và làm mát ở mức tối đa là 25 độ C", bà cho biết.
Phiên An (theo Bloomberg, Euronews)