Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:50 GMT+7

Nhật Bản sử dụng ngày càng nhiều năng lượng tái tạo và điện hạt nhân

01/10/2022

Nhật Bản đặt mục tiêu công suất điện hạt nhân chiếm 20-22% tổng công suất điện, trong khi điện tái tạo chiếm từ 36-38% tổng công suất điện vào năm 2030.

Nhật Bản đã tăng công suất năng lượng tái tạo và hạt nhân để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là nội dung báo cáo về cung và cầu năng lượng trong tài khóa 2021 mới được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 22/11.
Tuy nhiên, khí thải CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và dùng cho các mục đích khác vẫn tăng 1,2% so với tài khóa trước lên mức 980 triệu tấn trong bối cảnh các hoạt động kinh tế dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo báo cáo sơ bộ được Bộ Công nghiệp Nhật Bản công bố, đây cũng là tài khóa đầu tiên có khí thải CO2 tăng trong vòng 8 tài khóa trở lại đây.
Báo cáo mới cho thấy năng lượng tái tạo chiếm 20,3% tổng công suất điện tại Nhật Bản, tăng 0,5 điểm phần trăm so với tài khóa trước trong khi năng lượng hạt nhân chiếm 6,9%, tăng 3 điểm phần trăm.
Nhiệt điện, không tính biogas, giảm 3,5 điểm phần trăm xuống mức 72,8%. Công suất điện tại Nhật Bản trong tài khóa 2021 tăng 3,2% so với tài khóa trước lên 1.030 tỷ KW/h, trong đó tỷ lệ điện sản xuất không dùng nhiên liệu hóa thạch tăng 3,5 điểm phần trăm lên 27,1% trong tài khóa 2021 tính đến tháng 3/2022.
Điện tiêu thụ của các công ty và văn phòng tăng 5,5% trong khi của các hộ gia đình giảm 6,2% chủ yếu do các biện pháp hạn chế ra ngoài đã dần được dỡ bỏ.
Nhật Bản đặt mục tiêu công suất điện hạt nhân chiếm 20-22% tổng công suất điện trong khi điện tái tạo chiếm từ 36-38% tổng công suất điện vào năm 2030.
Hồi tháng Tám, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ thực hiện các bước cần thiết để tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết dựa trên những kết quả báo cáo mới, bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và thúc đẩy chuyển đổi xanh sang nền kinh tế trung hòa carbon.
Lê Ánh