Thứ năm, 25/04/2024 | 17:19 GMT+7

Bổ sung nguồn, sử dụng điện tiết kiệm

01/06/2022

Khi dịch Covid-19 được khống chế, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và tăng tốc khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Đây đang là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý và ngành Điện Việt Nam, nhất là khi bắt đầu bước vào mùa hè năm 2022. Cùng với các giải pháp để tăng cường bổ sung nguồn cung điện năng, quan trọng nhất vẫn là việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Nhiều thách thức trong nguồn cung
Theo tính toán kịch bản phụ tải cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tăng trưởng kinh tế 6,5-7%, nhu cầu sử dụng điện tăng 9% vào năm 2022. Thậm chí, tăng trưởng phụ tải có thể đến 11,5%/năm nếu kinh tế phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Vì thế, việc cung ứng điện mùa hè năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng sản lượng điện cả năm không thiếu, nhưng công suất sẽ thiếu hụt tại một số thời điểm, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Đặc biệt là ở miền Bắc, nơi nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Khu vực miền Trung, miền Nam cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện trong giai đoạn 2022-2025, nhưng vẫn có thể thiếu nếu xảy ra kịch bản cao, hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Việc đưa vào sử dụng Trạm biến áp 220kV Tương Dương (tỉnh Nghệ An) sẽ góp phần bảo đảm cung ứng nguồn điện.
Thông tin thêm, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, lượng nước tại các hồ thủy điện lớn suy giảm. Việc cung ứng than cho nhiệt điện cũng gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tăng cao hơn nguồn cung. Trong khi đó, điện mặt trời, điện gió phụ thuộc thời tiết, khó huy động khi thời tiết biến động. "Nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa, bức xạ nhiều. Với điện gió, công suất lắp đặt hiện khoảng 3.900MW, cao điểm thu điện vào tháng 1, 2 và 12; còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6. Thực tế, ít khi điện gió phát cao hơn mức 2.000MW. Nửa cuối tháng 3-2022, nhiều thời điểm công suất phát của điện gió ở mức rất thấp, khoảng hơn 500MW. Bởi vậy, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng điện quốc gia", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Có thể thấy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng năng lượng của các quốc gia đều tăng, cùng với đó là xu hướng tự chủ, giảm xuất khẩu năng lượng của nhiều nước để dự trữ lâu dài đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với nước ta trong việc cung ứng năng lượng. Tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành Điện”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh. Đặc biệt, năm 2022-2023 sẽ là cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đa dạng các giải pháp
Để bảo đảm cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, từ quý IV-2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy điện và đề nghị các đối tác chủ động phương án vận hành hệ thống điện cao nhất ngay từ đầu năm 2022. Đồng thời, EVN phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động phương án tiết kiệm nguồn nước; chuẩn bị nguồn cung nhiên liệu dự phòng cho các nhà máy điện than, nhiệt điện chạy dầu. Cùng với đó, EVN đang đẩy nhanh tiến độ các dự án: Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), nhiệt điện Quảng Trạch 1, tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối... EVN đã làm việc với các khách hàng lớn có hệ thống phát điện dự phòng để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi thiếu nguồn chính. Việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc cũng đã được tính toán.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, giải pháp bền vững hơn cả là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Nếu mỗi địa phương đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng ở mức 2% thì Việt Nam sẽ giảm hàng tỷ kWh điện tiêu thụ mỗi năm và điều này mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế”, ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được triển khai mạnh mẽ, có giải pháp tài chính hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, hướng dẫn sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm thông tin: "EVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh tuyên truyền tới khách hàng việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả với những giải pháp cụ thể, thiết thực; khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ; điều chỉnh phụ tải điện với các khách hàng lớn tại khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7; thông báo trước cho khách hàng lớn trường hợp có khả năng thiếu điện để chuẩn bị phương án sản xuất phù hợp".
Theo: Hà Nội mới